Học bằng di sản ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Tiếng Việt

NDĐT – Học bằng những hiện vật, những tài liệu chứng thực các sự kiện lịch sử, đó là hướng giáo dục mới mà Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang áp dụng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Học bằng di sản ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hoạt cảnh của các em học sinh trường Tiểu học Phan Chu Trinh dàn dựng sau khi tham quan, học tập tại Văn Miếu.

“Khu trải nghiệm cùng di sản” vừa ra mắt mới đây tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đánh dấu mốc đầu tiên cho một bước thay đổi đặc biệt trong hoạt động giáo dục của Văn Miếu.

Đổi mới hoạt động giáo dục di sản

UNESCO đã khuyến nghị “Các cơ quan di sản văn hóa phải trở thành nơi cung cấp các cơ hội học tập suốt đời cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tập trung vào ba trụ cột chính: kiến thức, kỹ năng và năng lực. Các chương trình giáo dục di sản văn hóa tạo ra các kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của di sản văn hóa với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ”.

Thực hiện những khuyến nghị đó, với mục tiêu giúp cộng đồng hiểu hơn về những giá trị lịch sử của di tích, từ năm 2016, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai xây dựng chương trình “Giáo dục di sản theo phương pháp mới”. Chương trình gồm ba giai đoạn: Trước - Trong và Sau tham quan, chú trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo và phát triển những kỹ năng làm việc nhóm của học sinh nhằm tạo ra các kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của khu di tích với các em. Đến nay, Chương trình đã xây dựng được gần 20 chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức trên lớp như: Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ, Sách và mộc bản, Ơ kìa con nghê…. Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và mang nhiều ý nghĩa.

Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã kết hợp với các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở Hà Nội như trường THCS Phan Chu Trinh, Trường THCS Ngô Gia Tự, trường THCS Nghĩa Tân... để phối hợp gắn kết Chương trình này với việc học tập ở các trường bảo đảm sự tích hợp một cách nhuần nhuyễn những kiến thức trên lớp với những hiểu biết mới mà học sinh thu được qua trải nghiệm trên di sản.

Trải nghiệm cùng di sản

Khu trải nghiệm di sản đặt tại nhà Hữu Vu trong khu điện Đại Thành thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi các em học sinh thực hiện bước “Sau tham quan”, là bước thứ ba của chương trình “Giáo dục di sản theo phương pháp mới”: Không gian này được đầu tư nhiều trang thiết bị phù hợp cho các hoạt động giáo dục hiện đại: máy tính, máy chiếu, ipad… Tại đây, các em học sinh được tham gia các hoạt động thú vị: khắc hoa văn trên giấy dó, tìm hiểu về lịch sử văn hoá qua các thước phim tư liệu hoặc tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn. Tại phòng trải nghiệm còn trưng bày các sản phẩm thủ công do chính các em học sinh sáng tạo ra sau khi tham quan di tích: những con thú bằng đất, những hoa văn trang trí trên bia đá được khắc hoạ trên cốc, dĩa hay những bức tranh sinh động đầy màu sắc.... Đây là không gian văn hóa trải nghiệm mới lạ và độc đáo cho khách tham quan nói chung và các em học sinh nói riêng.

Sản phẩm của các em học sinh lớp 9 trường THCS Ngô Gia Tự.

PGS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia hàng đầu về Bảo tàng, sau khi tham quan Khu trải nghiệm đã đánh giá: “Phòng trải nghiệm di sản tại trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những phòng trải nghiệm đi tiên phong trong các di tích trên cả nước. Đây là một bước tiến, thực hiện chức năng giáo dục trong di tích theo một cách tiếp cận độc đáo và đặc biệt, khu trải nghiệm này có ý nghĩa lớn, góp phần tăng cường giáo dục di sản, giúp cho thể hệ trẻ thêm yêu quý di sản và hiểu biết những giá trị vật chật và tinh thần của Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.

TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đây là những bước đi đầu tiên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn di sản với phát triển du lịch bền vững, làm cho di sản mang hơi thở cuộc sống đương đại và trở thành một trung tâm sáng tạo văn hóa”.

BĂNG NHI

Nhóm tin: