Các thủ tục khác

Đại sứ quán Việt Nam tại Áo xin thông báo:

Do có một số hoạt động đối ngoại, Đại sứ quán sẽ đóng cửa vào những ngày sau:

+ 19 – 20/6/2023 và

+ 17 – 25/7/2023

Các dịch vụ lãnh sự không được thực hiện trong những ngày này.

Đại sứ quán mở cửa bù vào những ngày sau:

+ 09:00h - 12:00h ngày 23/6/2023 và

+ 09:00h - 12:00h ngày 28/7/2023.

1.  Lập văn bản ủy quyền:

Để làm thủ tục lập văn bản ủy quyền (hoặc xác nhận chữ ký trên các loại vặn bản tự lập khác như giấy tờ chối thừa kế tài sản, hợp đồng ủy quyền, giấy cho tặng tài sản…, người đứng ủy quyền phải có mặt trực tiếp tại Đại sứ quán từ 09g00 đến 12g00 các ngày Thứ Hai, Thứ Tư (trừ ngày lễ chính thức của Việt Nam và Áo). Khi đi cần mang theo bản gốc các giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, giấy chứng minh thư, giấy thông hành) và 01 bản sao (photocopie).

Lưu ý: 

Đại sứ quán chỉ xác nhận hành vi ký vào văn bản tại Đại sứ quán và không xác nhận các nội dung. Người đứng tên ủy quyền bắt buộc phải có mặt tại Đại sứ quán, xuất trình giấy tờ tùy thân và làm thủ tục lập văn bản, ký trước mặt người có trách nhiệm xác nhận chữ ký. Người lập văn bản không ký trước vào văn bản ủy quyền.

Mẫu văn bản ủy quyền có tại ĐSQ (tải tại đây). Ngoài ra người lập ủy quyền có thể tự chuẩn bị văn bản theo mẫu hợp lệ, phù hợp với quy định của Việt Nam. Đối với các hợp đồng ủy quyền, cần sử dụng mẫu chung theo quy định của Bộ Tư pháp (tải về). 

 

2. Hợp pháp hóa, chứng nhận lãnh sự giấy tờ tài liệu:

Hồ sơ yêu cầu hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua DHL tới Đại sứ quán Việt Nam tại Áo:

- Tờ khai chứng nhận/hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu (tải về);

- Bản chính văn bản có chứng nhận của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Áo hoặc Slovenia kèm bản dịch công chứng tiếng Việt;

- Một bản sao (photocopie) văn bản cần phợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự ;

- Bản sao hộ chiếu hoặc thẻ căn cước của người yêu cầu.

Lưu ý:

- Văn bản của nước ngoài trước khi đề nghị hợp pháp hoá/chứng nhận lãnh sự tại Đại sứ quán để sử dụng tại Việt Nam phải được chứng thực bởi Bộ Ngoại giao của Áo hoặc Slovenia;

- Văn bản của Việt Nam trước khi đề nghị hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại Áo hoặc Slovenia phải được chứng thực bởi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

 

3. Đăng ký khai sinh cho trẻ có cha mẹ có quốc tịch Việt Nam:

Trẻ sinh ra là con của hai bên cha mẹ có quốc tịch Việt Nam (có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng và không có quốc tịch nước ngoài) phải được làm thủ tục đăng ký khai sinh tại Đại sứ quán trong vòng 60 ngày kể từ khi sinh. Trong trường hợp đăng ký khai sinh sau 60 ngày kể từ khi sinh, trên giấy khai sinh của trẻ sẽ có ghi chú «đăng ký khai sinh quá hạn».  

Các giấy tờ cần nộp gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh (tải về). (Lưu ý: khi khai tên trẻ cần ghi rõ bằng tiếng Việt có dấu theo trật tự HỌ trước, TÊN sau, nếu có khác so với giấy chứng sinh thì phải nghi rõ và yêu cầu người nhận ghi nhận sự khác biệt này. Việc có khác biệt tên giữa các giấy tờ này, và việc tên trẻ trên giấy khai sinh có dấu tiếng Việt cũng có hệ quả nhất định đối với cá thủ tục cần thiết khác tại Áo hoặc Slovenia, vì vậy cha mẹ cần lưu ý khi lựa chọn tên và cách đặt tên, họ cho trẻ.

- Bản sao và bản gốc giấy chứng sinh do bệnh viện nơi trẻ được sinh cấp, hoặc giấy tờ hợp lệ khác thay thế cho giấy chứng sinh. 

- Trường hợp trẻ đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan hộ tịch Áo hoặc Slovenia, cần nộp bản sao đầy đủ giấy khai sinh của sở tại. Trong trường hợp này, cha mẹ làm thủ tục Ghi sổ hộ tịch việc khai sinh tại cơ quan hộ tịch nước ngoài với quy trình tương tự.

- Bản sao có chứng thực giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ do Việt Nam cấp hoặc bản sao giấy chứng nhận ghi sổ hộ tịch việc kết hôn tại cơ quan hộ tịch nước ngoài do ĐSQ Việt Nam cấp. Trường hợp cha mẹ không cung cấp giấy đăng ký kết hôn, cha của trẻ phải làm thủ tục nhận con sinh ra là con của mình với sự đồng ý của người mẹ trước khi làm đăng ký khai sinh, trong hồ sơ lưu của trẻ sẽ có ghi chú «trẻ sinh ngoài giá thú». Trường hợp cha mẹ đã kết hôn cơ quan hộ tịch của Áo hoặc Slovenia, cha mẹ cần phải làm thủ tục Ghi sổ hộ tịch việc kết hôn tại cơ quan hộ tịch nước ngoài trước khi làm khai sinh cho trẻ.

- Bản sao có chứng thực hộ chiếu và giấy tờ cư trú hợp lệ của cha mẹ cùng bản gốc để đối chiếu.

- Đối với trẻ sinh ra ở nước ngoài chỉ có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia có quốc tịch nước ngoài thì phải có văn bản thỏa thuận của cha mẹ nhất trí lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con.

Lưu ý:

- Chỉ sau khi làm giấy khai sinh tại ĐSQ trẻ mới mang quốc tịch Việt Nam và được làm hộ chiếu Việt Nam. Trong trường hợp cha mẹ đề nghị nộp hồ sơ làm hộ chiếu cho trẻ ngay, cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp mới hộ chiếu (xem hướng dẫn đề nghị cấp mới hộ chiếu Việt Nam) và đề nghị người tiếp nhận kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ và chuyển bộ phận cấp hộ chiếu sau khi có giấy khai sinh của trẻ.

- Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài (Đức, Slovenia ...) phải nộp thêm bản dịch công chứng tiếng Việt. 

 

4.  Đề nghị cấp chứng nhận chưa kết hôn để kết hôn tại Việt Nam hoặc tại Áo:

Hồ sơ gồm :

- Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận chưa kết hôn tại Đại sứ quán theo mẫu (tải tại đây);

- Xác nhận chưa vợ, chưa chồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam mới cấp (dùng để kết hôn tại Áo);

- Xác nhận cư trú của Chính quyền Áo trong đó có mục khai báo tình trạng gia đình: độc thân (ledig), ly hôn (geschieden), ...( để bổ túc hồ sơ kết hôn tại Việt Nam);

- Giấy khai sinh, nếu là bản sao thì phải có công chứng;

- Bản sao hộ chiếu (trình bản chính để đối chiếu);

- Trường hợp người yêu cầu đã có vợ hoặc đã có chồng nhưng đã ly hôn thì phải nộp bản sao bản án/Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ly hôn; trường hợp người chồng hoặc người vợ đã chết thì phải nộp bản sao Giấy chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh việc người đó đã chết.

Lưu ý:

Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài (Đức, Slovenia ...) phải nộp thêm bản dịch công chứng tiếng Việt. 

 

5. Thủ tục đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam:

Người Việt Nam định cư tại Áo hoặc Slovenia chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, nếu có yêu cầu xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam thì đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp theo trình tự và thủ tục sau đây:

Hồ sơ gồm có:

- Tờ khai đăng ký xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam theo mẫu (tải về), kèm theo 4 ảnh chụp chưa quá 6 tháng cỡ 4x6cm.

- Bản sao một trong các giấy tờ chứng minh về nhân thân đang có giá trị sử dụng (hộ chiếu, thẻ căn cước, thẻ tạm trú, ...)

- Một trong các giấy tờ để làm căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam bao gồm:

+    Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp qua các thời kỳ từ 1945, trong đó có ghi rõ quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam.

+    Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ cấp trước ngày 30/4/1975 ở Miền Nam Việt Nam hoặc do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, trong đó có thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam, cũng được coi là cơ sở tham khảo để xem xét, xác định quốc tịch Việt Nam.

•    Trường hợp hồ sơ đầy đủ và có đủ cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam Đại sứ quán sẽ cấp Trích lục về việc đã được xác định có quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam.

•    Trường hợp không đủ cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam thì Đại sứ quán sẽ tiến hành phỏng vấn trực tiếp và gửi hồ sơ về trong nước tiến hành xác minh theo quy định. Đại sứ quán sẽ thông báo kết quả xác minh về việc có hay không có quốc tịch Việt Nam ngay sau khi nhận được trả lời của các cơ quan chức năng ở trong nước.

Lưu ý:

- Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài (Đức, Slovenia ...) phải nộp thêm bản dịch công chứng tiếng Việt. 

 

6. Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam:

03 bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

- Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam có dán ảnh (theo mẫu). hoặc Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho người được giám hộ/người được đại diện (theo mẫu)

- Bản khai tóm tắt lý lịch của người làm đơn có dán ảnh (theo mẫu).  

- Bản sao công chứng Giấy khai sinh Việt nam.

- Bản sao công chứng Hộ chiếu hoặc giấy thông hành. 

- Giấy đảm bảo sẽ cho nhập quốc tịch nước sở tại  hoặc giấy chứng nhận đã được vào quốc tịch nước sở tại do cơ quan có thẩm quyền cấp đã được Bộ Ngoại giao nước sở tại chứng nhận lãnh sự. 

- Các giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp phải được dịch ra tiếng Việt và được Đại sứ quán hợp pháp hóa lãnh sự.

- Nếu là trẻ vị thành niên xin thôi quốc tịch Việt Nam cùng với bố hoặc mẹ, thì cần nộp thêm văn bản thỏa thuận của bố mẹ cho con xin thôi quốc tịch Việt Nam (theo mẫu).

 Lưu ý:

- Con từ đủ 18 tuổi trở lên phải làm hồ sơ riêng.

- Con dưới 18 tuổi có thể làm kèm với bố hoặc mẹ.  

- Nếu là trẻ em từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần thêm văn bản đồng ý xin thôi quốc tịch của trẻ và chữ ký của trẻ vào đơn xin thôi quốc tịch của bố/mẹ.

- Nếu người làm đơn không có giấy khai sinh Việt Nam, có thể thay bằng một trong các loại giấy tờ do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp sau: Giấy chứng nhận kết hôn, Chứng minh thư, Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú trước khi xuất cảnh...

- Trường hợp đã kết hôn ở nước ngoài thì cần nộp thêm bản sao giấy kết hôn kèm theo bản dịch công chứng tiếng Việt. 

- Nếu trẻ em bị mất Giấy khai sinh Việt Nam có thể thay thế bằng Giấy chứng nhận khai sinh của nước ngoài.

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ với Đại sứ quán theo số điện thoại +43.1.368075510 (các buổi chiều thứ Ba, Tư, Năm từ 14g00-17g00).

 

Tiếng Việt