Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua Góc nhìn của một người Áo

Tiếng Việt

(VOV5) - Bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của một nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử người Áo, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng.

Patrick Horvath

Anh hùng nhân dân

Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại huyện Lệ Thủy, miền Trung Việt Nam, trong một gia đình nhà nho yêu nước.

Ông tham gia Việt Minh, một phong trào đấu tranh giành độc lập do Hồ Chí Minh sáng lập, và dần trở thành lãnh đạo quân sự của phong trào này.  Với sự quả cảm và tư duy chiến lược kiệt xuất, ông đã cùng quân đội Việt Nam giành thắng lợi trong trận chiến quyết định tại Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông lãnh đạo các lực lượng của miền Bắc giành chiến thắng, buộc người Mỹ phải rút khỏi khỏi Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và Phó Thủ tướng. Ông Giáp qua đời tại Hà Nội vào năm 2013. Ngày 25 tháng 8 năm 2021 là ngày người anh hùng dân tộc Việt Nam tròn 110 tuổi.

 Áo - Việtkhác biệt nhưng tương đồng

Nằm cách nhau tới 9.000km, hai nước Áo và Việt Nam có sự khác biệt khá lớn. Trong khi tôn giáo chính tại Áo là Cơ đốc giáo thì phần đông người Việt lại theo đạo Phật. Sự phồn thịnh của Áo được bắt nguồn từ một nền công nghiệp phát triển còn Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam lại năng động hơn nhiều so với xã hội già hóa của Áo. Quy mô dân số của Áo cũng nhỏ hơn, chỉ gần 9 triệu người so với trên 98 triệu người của Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua Góc nhìn của một người Áo - ảnh 1Thạc sỹ quan hệ quốc tế Patrick Horvath

Vậy những quốc gia khác nhau như vậy có thể có điểm gì chung?

Tôi cho rằng cả Việt Nam và Áo đều có chung một trải nghiệm lịch sử mà cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng đến bản sắc của hai nước.

Vào thế kỷ 19, Áo đã trải qua một cuộc chiến đầy gian khổ chống lại sự bành trướng của Pháp trên toàn châu Âu. Sau chiến thắng của Napoléon trong trận Austerlitz vào năm 1805, tỉnh Tyrol của Áo bị sáp nhập vào Bavaria, một vương quốc Đức nằm ở phía Bắc Tyrol và là đồng minh của Napoléon. 

Nằm giữa CHLB Đức và Italia, Tyrol có tầm quan trọng chiến lược tại Châu Âu. Khi thanh niên Tyrol bị người Bavaria ép gia nhập quân đội Napoléon, họ đã nổi dậy giành tự do dưới sự lãnh đạo của Andreas Hofer, chủ một nhà hàng kiêm lái buôn ngựa và rượu. Ông lãnh đạo lực lượng Tyrol thắng trận tại Bergisel, một ngọn núi gần thủ đô Innsbruck của Tyrol. Không may, cuộc nổi dậy bị đàn áp tàn bạo, Hofer bị hành quyết tại thành phố Mantua của Italia theo lệnh của Napoléon. Cho đến nay, Hofer luôn được coi là anh hùng dân tộc của Tyrol.  Sau khi Napoléon thất bại trong cuộc chiến với Nga, Tyrol được trả lại cho Áo.

Bảo tàng nổi tiếng "Tyrol Panorama" ở Innsbruck hiện vẫn trưng bày các loại vũ khí được người Tyrol sử dụng chống lại quân Pháp, bao gồm súng săn và nông cụ - tất cả những gì họ có trong tay khi đó. Ở bên kia chiến tuyến đối diện với họ là những khẩu súng trường gắn lưỡi lê hiện đại của một đội quân bành trướng Pháp tinh nhuệ, được tổ chức chuyên nghiệp. Cuối cùng, ý chí tự do đã chiến thắng, dù phải trả một giá rất đắt. Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam cũng tương tự như vậy.

Cả Áo và Việt Nam đều hiểu rõ giá trị của tự do và chiến đấu chống lại sự đàn áp của  ngoại bang. Ngày nay hai nước là đối tác quốc tế. Nhờ nỗ lực của Thủ tướng Bruno Kreisky (1970-1983), Áo là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về ngoại giao. Thương mại giữa hai nước đang ngày một phát triển với kim ngạch nhập khẩu của Áo đối với các sản phẩm của Việt Nam lên tới 1 tỷ euro mỗi năm. Với ngành công nghiệp phát triển cao,  Áo có tiềm năng trở thành một nhà đầu tư quan trọng tại Việt Nam trong tương lai.

 Ernst Frey, người Áo sát cánh chiến đấu với tướng Giáp

Ernst Frey (1915-1994), người Áo, là một trong những người thân cận nhất của tướng Giáp. Được biết đến tại Việt Nam với bí danh Nguyễn Dân, Frey là một Đảng viên  Cộng sản gốc Do Thái buộc phải trốn chạy khỏi chế độ độc tài ở Áo vì lý do chính trị. Ông tham gia Quân đoàn Hải ngoại và sau đó là phong trào Cộng sản và Việt Minh tại Việt Nam. Kinh nghiệm quân sự đã giúp Frey đóng góp đáng kể vào sự phát triển của cuộc kháng chiến tại Việt Nam.

Cuốn sách “Vietnam, mon amour” của Frey là một cuốn tự truyện khá thú vị do nhà xuất bản Czernin tại Viên phát hành bằng tiếng Đức. Frey từng được thăng cấp Đại tá theo lệnh của tướng Giáp nhờ thành tích quân sự.

Frey sau đó trở lại Áo. Không lâu trước khi qua đời, ông đã viết cho tướng Giáp một bức thư với những lời xúc động như sau: “Tất cả tình yêu mà tôi dành cho Việt Nam và dân tộc này, ở chừng mực nào đó, tập trung vào cá nhân đồng chí. Sự chân thành của đồng chí đã làm tôi vui sướng biết bao. Đối với tôi thì Việt Nam, dẫu có những khó khăn về ngôn ngữ, là quê hương mà năm 1950 tôi đã phải để lại. Đây là đất nước duy nhất mà tôi sẵn sàng đổ cả máu của mình”.

Tình bạn giữa Frey và tướng Giáp sẽ định hướng cho mối quan hệ hợp tác giữa Áo và Việt Nam trong tương lai.

Hòa bình - một tầm nhìn chung

Cách đây 5 năm, vào năm 2016, một đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam đã tới thăm Quốc hội Áo tại thủ đô Viên. Trong buổi tiếp Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Trần Đình Nhã, nghị sỹ Harald Troch đã nhắc lại lời của anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp: “Khía cạnh quan trọng nhất của cuộc tranh Việt Nam là sẽ không bao giờ có chiến tranh nữa”.

Lời kêu gọi hòa bình-chính trị của tướng Giáp cuối cùng lại chính là kim chỉ nam cho các cuộc thảo luận sau này tại Quốc hội Áo, từ giải pháp hòa bình cho xung đột Biển Đông cho đến tăng cường hợp tác kinh tế giữa Áo và Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, câu nói của tướng Giáp thể hiện trải nghiệm chung của cả  hai nước. Trong quá khứ, Áo từng hứng chịu nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc nội chiến ngắn năm 1934. Những biến cố lịch sử này đã dẫn đến việc đưa chính sách trung lập vào Hiến pháp Áo. Nước Áo ngày nay chỉ có một quân đội quy mô nhỏ với chức năng phòng vệ thuần túy, và không đứng về bên nào trong các cuộc xung đột quốc tế. Thay vào đó, Áo cung cấp dịch vụ, hòa giải và hỗ trợ nhân đạo.

Việt Nam đã bảo vệ thành công nền tự do giành được trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Đây là một thành tựu rất quan trọng. Nhưng thật không may là biết bao người dân Viêt Nam đã trở thành nạn nhân chiến tranh, hứng chịu biết bao đau khổ. Tôi tin chắc rằng việc không để Việt Nam trở thành chiến trường quốc tế một lần nữa chính là vì lợi ích của người dân Việt Nam. Sứ mệnh lịch sử chung này gắn kết Áo và Việt Nam và tôi thực sự hy vọng rằng mối quan hệ đối tác vì hòa bình giữa hai quốc gia sẽ không ngừng phát triển.

Tôi nhiệt liệt chúc mừng nhân dân và chính phủ Việt Nam nhân kỷ niệm ngày sinh của anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp. Từ tận đáy lòng, tôi mong Áo và Việt Nam sẽ cùng chia sẻ một tương lai tự do, hòa bình và hữu nghị.

Đôi nét về tác giả: TS triết học Patrick Horvath, Áo
Từ tháng 7/2019 : Giám đốc (Đồng Giám đốc với Chủ tịch GS. TS. Werner Beutelmeyer) Hiệp hội nghiên cứu xã hội Paul Lazarfeld (PLG)
* Giải thưởng khoa học năm 1996 của Chương trình Kính vạn hoa Eu trong khuôn khổ Thủ đô Văn hóa Châu Âu, Đại học Aristotle và Viện Goethe ở Thesaloniki
* Chuyên gia đối ngoại Phát triển chiến lược ngoại thương Áo 2018
* Phát ngôn viên (tình nguyện, từ 10/2018) của Hiệp hội “Cộng đồng người Châu Á tại Áo”
* Viết bình luận cho các báo "Die Presse", "Kurier", "Wiener Zeitung", "Wirtschaftsblatt"v.v...

Nhóm tin: