Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Áo ngày 10 tháng 12 năm 2020

Tiếng Việt

Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Áo ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

Ngày 10/12/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương (Cục XTTM) và Phòng Kinh tế Liên bang Áo (WKO) tổ chức Hội nghị trực tuyến về xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Áo 2020. Hội nghị đã thu hút khoảng 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, tổ chức, hiệp hội và hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam và Áo để phổ biến, trao đổi thông tin về quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước, các cơ hội hợp tác về đầu tư, kinh doanh tại thị trường mỗi nước, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Lê Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị; nhấn mạnh đây là sự kiệncó ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động thương mại và hàng không quốc tế đang chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19. Đại sứ khẳng định Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam – Áo để tổ chức các sự kiện tương tự trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội kinh doanh của hai nước trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Về quan hệ Việt Nam – Áo, Đại sứ khẳng định hai nước đã thông qua hoạt động ở nhiều cấp khác nhau, từ các cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề để xây dựng các cơ chế hợp tác về thương mại và đầu tư. Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Áo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 10/2018, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như việc WKO mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhiềuthỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước được ký kết và đang trong quá trình triển khai hiệu quả.

Về môi trường kinh doanh, Đại sứ cho rằng Việt Nam đang trở thành địa điểm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến để thực hiện chiến lược kinh doanh “Trung Quốc +1”. Đồng thời, việc EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 phần nào đã giúp giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với thương mại song phương. Do đó, sau khi dịch bệnh chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp Áo có thể tận dụng cơ hộiđể đầu tư tại Việt Nam, tiếp cận với thị trường 97 triệu dân của Việt Nam cũng như thông qua Việt Nam để tiếp cận với thị trường ASEAN.

Ông Michael Otter, Giám đốc phụ trách hệ thống văn phòng đại diện ở nước ngoài của WKO, đánh giá Việt Nam đang là thị trường tiềm năng nhất tại khu vực Đông Nam Á đối với Áo. Hợp tác kinh tế Việt Nam – Áo thời gian qua có những bước phát triển quan trọng, thể hiện qua kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng trưởng. Việc WKO đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào tháng 5/2019 đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Áo trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Các doanh nghiệp Áo quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam cũng như hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và Công nghiệp 4.0.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, cho biết kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19. Những chính sách chặt chẽ và kịp thời của Chính phủ cũng như khả năng phục hồi nhanh của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với tác động kinh tế - xã hội của dịch COVID-19. Ông chia sẻ EVFTA bao gồm các cam kết mạnh mẽ về cắt giảm thuế quan và các hàng rào kỹ thuật, trong đó hơn 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Với điều kiện đó, các mặt hàng dệt may, da giày và đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU được mong đợi sẽ tăng trưởng mạnh và ở chiều ngược lại, thiết bị y tế, dược phẩm, máy móc và công nghệ cao của Áo là các mặt hàng tiềm năng khi xuất khẩu sang Việt Nam. EVFTA cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và mua sắm công. 

Sau khi EVFTA có hiệu lực, một số doanh nghiệp Việt Nam đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất và chiến lược phát triển nhằm tận dụng kịp thời các lợi ích EVFTA mang lại. Cục XTTM sẽ tiếp tục tổ chức với các sự kiện trực tuyến tương tự trong tương lai nhằm kết nối chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra các cơ hội giao thương mới và góp phần phát triển quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Áo.

Ông Dietmar Schwank, Tham tán thương mại Áo tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch COVID-19 và hồi phục kinh tế. Năm 2019 từng là năm kỷ lục về thương mại hai chiều. Áo xuất khẩu sang Việt Nam 250 triệu EUR; Việt Nam xuất khẩu sang Áo hơn 1 tỷ EUR. Do tác động của dịch COVID-19, thương mại hàng hóa hai chiều dự kiến giảm 20%; thương mại dịch vụ hai chiều dự kiến còn giảm mạnh hơn do hạn chế hàng không quốc tế. Ông Schwank cho rằng EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp Áo có thêm các cơ hội để cung cấp cho Việt Nam thiết bị y tế, công nghệ hạ tầng, cũng như tham gia các dự án về công nghệ môi trường và năng lượng tái tạo tại nước ta. Đồng thời, các mặt hàng của Áo còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam như rượu vang và thực phẩm cũng sẽ được hưởng cắt giảm thuế quan và có điều kiện tốt hơn để tiếp cận thị trường. Đối với chiều xuất khẩu của Việt Nam sang Áo, các sản phẩm điện tử, dệt may, đồ gỗ, thủy sản, cà phê, hạt điều và một số loại thực phẩm khác dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều từ EVFTA.

Ông Thomas Zopfl, Giám đốc Wattenspapier (thuộc Tập đoàn delfort của Áo với doanh thu gần 1 tỷ EUR/năm), chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh thành công tại Việt Nam. Công ty Áo đã mua nhà máy chế biến giấy tại Bình Dương vào năm 2015 và điều kiện ưu đãi về hạ tầng, nguồn nhân lực trẻ và có trình độ, tình hình chính trị ổn định là các yếu tố chính giúp công ty Áo có được sự thành công tại Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và trở thành cửa ngõ để các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ các hiệp định này. Chính sách ủng hộ đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam đã tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của công ty Áo tại Việt Nam. Đặc biệt sự ổn định chính trị và vai trò chủ chốt của Chính phủ đã giúp Việt Nam ứng phó với COVID-19 thành công.

Sau khi phiên toàn thể kết thúc, hơn 30 doanh nghiệp Áo và Việt Nam trao đổi trực tiếp theo hình thức họp trực tuyến B2B. Hơn 20 doanh nghiệp tiêu dùng Việt Nam đã tiến hành hàng chục lượt giao dịch với các tổ chức và doanh nghiệp Áo, giới thiệu, quảng bá và trao đổi các chi tiết liên quan về hàng hóa: số lượng, quy cách sản phẩm, giá cả, điều kiện giao/nhận hàng và những dịch vụ hỗ trợ tại Áo cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các tổ chức, doanh nghiệp Áo đánh giá cao sự đa dạng và chất lượng sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam và chia sẻ sẽ tiếp tục trao đổi sâu hơn, cụ thể hơn sau Hội nghị về các cơ hội hợp tác. Ngoài ra, các doanh nghiệp hai nước cảm ơn nỗ lực và sự hỗ trợ của Ban tổ chức./.

Nhóm tin: