Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 20-2-2020

Tiếng Việt

(MOFA) - Ngày 20/02/2020, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:

I. THÔNG BÁO

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công – Lan Thương

Từ ngày 19-20/2/2020 tại Viêng Chăn, Lào, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công – Lan Thương lần thứ 5 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Xạ-Lởm-xay Côm-ma-xít (Saleumxay Kommasith). Cũng trong dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) đã chủ trì Cuộc họp đặc biệt của ACC và cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về hợp tác ứng phó Covid-19.

Việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hai hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này thể hiện sự coi trọng và vai trò của Việt Nam trong Hợp tác Mê Công – Lan Thương, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước Mê Công – Lan Thương; khẳng định vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong điều phối các nỗ lực và hành động chung của ASEAN, cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, trong đó có Trung Quốc, nhằm ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh COVID-19, phát huy tinh thần một Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Trí thức trẻ: Hiện nay tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp như tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài bảo hộ công dân ở Trung Quốc thì Bộ Ngoại giao có biện pháp nào ở Hàn Quốc, Nhật Bản?

Việt Nam đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và các quốc gia đang có dịch. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến dịch tại địa bàn, công bố đường dây nóng, giữ liên lạc với công dân Việt Nam và sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Theo báo cáo của các cơ quan đại diện, ngoài một trường hợp tại Trung Quốc, hiện chưa có thêm công dân Việt Nam nào bị lây nhiễm.

2. Tri thức trẻ: Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia phát triển. Xin cho biết bình luận?

Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 76 tỷ đô la Mỹ năm 2019, tăng khoảng 25% so với năm 2018. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ.

Hiện Việt Nam vẫn được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế “quốc gia đang phát triển” trong luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp các biện pháp với phía Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

3. Tuổi trẻ: Tại cuộc gặp song phương của Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa qua, Bộ trưởng Phạm Bình Minh lên tiếng về việc Trung Quốc cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam. Phía ông Vương Nghị có cam kết gì để cải thiện tình hình hay không?

Về cuộc gặp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Viên Chăn vừa qua, như báo chí đã đưa tin, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Mình đã nêu về tình trạng nhập siêu của Việt Nam, đây là tình trạng nhập siêu cũng khá là lâu trong thương mại Việt Nam – Trung Quốc, đề nghị phía Trung Quốc có biện pháp để giảm nhập siêu, hướng tới thương mại cân bằng cho Việt Nam và Trung Quốc.

Phía Trung Quốc khẳng định không theo đuổi việc nhập siêu thương mại với Việt Nam và có các biện pháp tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, được xuất sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch.

4. Tuổi trẻ: Liên quan đến đề nghị của ông Vương Nghị về đề nghị sớm khôi phục đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam, phía Việt Nam trả lời thế nào? Có thông tin cập nhật gì thêm không?

Để phòng chống dịch bệnh COVID-19 lan rộng và có ảnh hưởng đến sức khỏe của công dân Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua đã và đang phối hợp rất chặt chẽ trong việc quản lý các hoạt động giao thương, giao thông vận tải giữa hai nước. Trên tinh thần phòng chống dịch nhưng không “đóng cửa”, không để ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, thời gian vừa qua, trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã từng bước được khôi phục, song vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc an toàn nhất.

5. Tân Hoa Xã: Đánh giá về các biện pháp và hiệu quả đạt được của Trung Quốc trong việc chống dịch COVID-19? Việt Nam có ủng hộ các biện pháp mà Trung Quốc đang áp dụng để chống dịch không?

Vừa qua tại Hội nghị đặc biệt giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, cũng như cuộc gặp song phương giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, như các bạn đã biết và báo chí đã đưa tin, tôi xin nhấn mạnh Việt Nam hết sức quan tâm, bày tỏ cảm thông và chia sẻ trước những thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra cho Trung Quốc; đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua.

Việt Nam sẵn sàng và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc và các nước trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm điều trị. Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, cùng sự chung tay, phối hợp, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân Trung Quốc sẽ sớm vượt qua khó khăn này, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và các nước sẽ sớm được kiểm soát.

6. Tân Hoa Xã: Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với Trung Quốc ở phương diện nào để chống lại dịch COVID-19?

Các nước ASEAN rất quan tâm theo dõi, dành ưu tiên cao cho hợp tác ứng phó với dịch COVID-19. Ngày 15/02 vừa qua, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát dịch COVID-19, trong đó khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của ASEAN với nỗ lực to lớn của Chính phủ và người dân Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế nói chung trong ứng phó với bệnh dịch.  Campuchia, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN đã gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng các Cộng đồng ASEAN thông báo về các biện pháp đã được các cơ quan chuyên ngành y tế ASEAN triển khai để ứng phó với dịch COVID-19. Ngày 19/2, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Hà Nội cũng đã ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với vai trò chủ tịch Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) đã đề nghị tổ chức cuộc họp đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc để thảo luận về hợp tác ứng phó với COVID-19 nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Lan Thương lần thứ 5 tại Viên-chăn, Lào. Hội nghị đặc biệt này vừa kết thúc cách đây ít phút, tại đây các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi về các biện pháp ứng phó của ASEAN trên cơ sở huy động các cơ chế hợp tác khu vực hiện có, tăng cường chia sẻ thông tin, đánh giá rủi ro, chia sẻ kinh nghiệm chữa trị y tế, đẩy lùi sự lan truyền của tin tức giả mạo, đồng thời điều phối công việc giữa các nước ASEAN trong ứng phó dịch bệnh. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung.

7. VnExpress: Ông vừa nhắc đến trường hợp người Việt bị nhiễm virus. Xin cho biết tình trạng hiện nay của công dân này?

Liên quan đến công dân đang điều trị tại bệnh viện số 05 tỉnh Giang Tây Trung Quốc.

Theo cơ quan đại diện tại Trung Quốc, chuyển biến tốt và đang được điều trị tích cực. Các cơ quan đại diện liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với các công dân có liên hệ với cơ quan đại diện về các biện pháp bảo hộ công dân.

8. VnExpress: Campuchia vừa đón tiếp một du thuyền có người nhiễm bệnh, xin cho biết biện pháp kiểm soát dịch tại biên giới Việt Nam và Campuchia?

Quy định chung về kiểm soát dịch bệnh áp dụng trên tất cả các cửa khẩu, và trên đất liền, đường bộ, đường không giữa Việt Nam và các nước là thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua các vùng dịch của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua.

Như các bạn đã biết tình hình phòng chống đã đạt được tiến triển rất tốt và khả quan, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo thông tin mới nhất về tình hình điều trị của 16 bệnh nhân có nhiễm virus COVID-19 do Bộ Y tế thông báo, đã có 14 bệnh nhân bình phục, 2 bệnh nhân còn lại có triển vọng rất tốt, có khả năng sắp khỏi. Như vậy kết quả điều trị, phòng chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả rất là tốt.

Tôi tin các bạn cũng nhất trí với tôi rằng Việt Nam hiện nay vẫn là một điểm đến an toàn.

9. Phoenix TV: Hiện nay hàng không Việt Nam vẫn tuyên bố tạm thời dừng bay tất cả các chuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vậy chúng ta có kế hoạch khôi phục việc qua lại giữa nhân dân hai nước qua đường hàng không không? Nếu có thì vào thời gian nào và với những điều kiện như thế nào?

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam tạm dừng cấp phép bay tới các vùng dịch của Trung Quốc. Bản thân Chính phủ Trung Quốc cũng ra lệnh hạn chế, thậm chí phong tỏa thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc về chuyện giao thông đi lại giữa các địa phương.

Tổ chức Y tế Thế giới, Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam đều ý thức rất nghiêm túc về mức độ nghiêm trọng về mức độ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19. Do đó, việc di chuyển những người từ vùng có dịch tới các vùng khác cần được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, sau khi có lệnh dừng cấp phép bay giữa Việt Nam và các nước có vùng dịch, Chính phủ đã cấp phép cho một số chuyến bay để đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc, từ vùng dịch ở Vũ Hán về, cũng như đưa công dân Trung Quốc từ Việt Nam trở lại Trung Quốc.

Việt Nam rất quan tâm và chia sẻ, mong muốn chính phủ  và nhân dân Trung Quốc sớm vượt qua khó khăn này, khi nào kiểm soát được dịch bệnh tốt, việc giao thương, trao đổi sẽ được tạo tiền đề vững chắc hơn. Hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đang phối hợp rất chặt chẽ trong vấn đề này.

10. Zing: Xin cho biết thêm thông tin về việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Hoa Kỳ. Thời gian dự kiến, lãnh đạo các nước tham dự như thế nào?

Hiện giờ chúng tôi chưa có thông tin chi tiết về Hội nghị Thượng đỉnh này để cung cấp cho bạn. Tuy nhiên, các nước ASEAN và Mỹ vẫn đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị này.

11. AFP: Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế kiến nghị không cho nhập cảnh người đã đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày, trong đó bao gồm cả những người đã đi trên các du thuyền có người bị nhiễm bệnh, có báo đưa tin là toàn bộ thành viên trên tàu Westerdam là đối tượng không được vào Việt Nam. Vậy xin Người Phát ngôn cho biết đề nghị này  đã được chấp thuận hay chưa và có một số báo đưa tin có một số  trường hợp người nước ngoài bị từ chối nhập cảnh do nghi nhiễm COVID-19, vậy phía Bộ Ngoại giao có con số  cụ thể về những người bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam do nghi nhiễm COVID-19 không?

Tôi xin khẳng định Công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam được thực hiện rất nghiêm túc, các quy trình thực hiện từ trước đến giờ rất chặt chẽ. Như tôi vừa cung cấp thông tin, tất cả của khẩu, đường bộ, đường không, đường biển đều áp dụng quy trình quản lý, kiểm soát dịch bệnh như nhau.
Về số lượng người từ chối nhập cảnh, chúng tôi chưa có thông tin./.

Nhóm tin: