Nội dung họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 06/08/2020.

Tiếng Việt

Ngày 06/8/2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam và trả lời các câu hỏi có nội dung cụ thể như sau : 

1. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết thông tin thời điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 53 và các hội nghị liên quan? 

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang hoàn tất công tác chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan vào tháng 9 năm 2020. Thông tin cụ thể về việc tổ chức các hội nghị nói trên sẽ được cập nhật trong thời gian tới. 

2. Liên quan đến phát biểu của Tổng thống Philippines về việc Chính phủ nước này không còn tiền để hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19, đề nghị Người Phát ngôn cho biết, Quỹ ứng phó với dịch COVID-19 của ASEAN hoạt động như thế nào? ASEAN có chia sẻ gì với Philippines không? 

Quỹ ứng phó với dịch Covid-19 của ASEAN hoạt động theo quy trình thủ tục của ASEAN và các nước thành viên có thể yêu cầu sử dụng Quỹ này phục vụ các mục đích ứng phó Covid, phù hợp với tiêu chí sử dụng của Quỹ. 

3. Liên quan đến công dân Việt Nam ở Uzbekistan, trước đây Bộ Ngoại giao đã thông tin ban đầu về tình hình công dân ở Uzbekistan, đề nghị Người Phát ngôn cập nhật tình hình công dân ở đây, sau khi thông tin đầu là đang chia sẻ khó khăn, không biết kế hoạch cụ thể của Bộ Ngoại giao như thế nào, có phương án đưa về Việt Nam không? 

Theo thông tin từ Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có 226 lao động Việt Nam đang làm việc tại Uzbekistan theo hợp đồng cung ứng lao động giữa Công ty TNHH Tư vấn và Nghề nghiệp (CEC) và công ty China Petroleum Jili Chemical Engineering and Construction Co., Ltd (JCC). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay các lao động này đang tạm ngừng làm việc tại công trường, thực hiện cách ly tại chỗ và một số trường hợp theo như cơ quan chức năng sở tại cho biết được xác định là dương tính với Covid-19.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga kiêm nhiệm Uzbekistan đã liên hệ với người lao động để tìm hiểu thông tin, động viên, thăm hỏi; liên hệ các công ty liên quan và chính quyền địa phương yêu cầu tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người lao động Việt Nam.

Hiện nay, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga kiêm nhiệm Uzbekistan đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để xây dựng kế hoạch đưa công dân Việt Nam tại Uzbekistan về nước trong thời gian sớm nhất, dự kiến là trong tháng 8, phù hợp với nguyện vọng của công dân, với tình hình dịch bệnh ở trong nước cũng như là năng lực cách ly ở trong nước. 

4. Gần đây, để đối phó với tình hình trong nước, Ấn Độ nâng hàng rào phi thuế quan với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong mối quan hệ song phương với Việt Nam, không biết Ấn Độ đã trao đổi với Việt Nam chua, trong vai trò là chủ tịch ASEAN 2020 liệu chúng ta có đưa vấn đề hàng rào phi thuế quan vào trao đổi với các nước thành viên không? 

Tôi sẽ kiểm tra với cơ quan chức năng. Nguyên tắc là các vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại giữa ASEAN và các đối tác sẽ được trao đổi qua các kênh phù hợp giữa ASEAN và các đối tác trên cơ sở các quy định liên quan phù hợp của thương mại quốc tế, cũng như đảm bảo lợi ích của cả 2 bên, đặc biệt là lợi ích của các doanh nghiệp và người dân. 

5. Truyền thông nhà nước Trung Quốc có thông tin là trong các cuộc tập trận gần đây Trung Quốc có điều tàu chiến và máy bay chiến đấu đến cấu trúc mà Trung Quốc tôn tạo ở Trường Sa của Việt Nam, trong đó có video Trung Quốc điều máy bay đến đá Subi, xin cho biết phản ứng của Việt Nam về động thái này? 

Trước tiên xin khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. 

Mọi hoạt động tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vô giá trị và không có lợi cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối. 

6. Dù hôm qua đã có thông tin ban đầu, nhưng Người Phát ngôn có thể cập nhật thêm về số người có thể bị thương và thông tin về họ sau vụ nổ ở Beirut hôm qua?

Một lần nữa chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Li-băng cũng như là gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn vừa qua. Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, ngày 05/08/2020, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn đến Tổng Thống Li-băng Michel Aoun.

Về tình hình công dân Việt Nam tại Li-băng hiện nay ở Li-băng chỉ có một số ít người Việt Nam chủ yếu là lao động. Ở Li-băng cũng không có cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam mà Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập là cơ quan đại diện ngoại giao kiêm nhiệm Li-băng. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li-băng đã cố gắng để liên hệ với các đầu mối cộng đồng cũng như là các Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Li-băng và các cơ quan chức năng sở tại để nắm thông tin. Cho biết đến nay chỉ có 01 công dân Việt Nam bị thương nhẹ và đang được điều trị tại bệnh viện, tình hình sức khoẻ tương đối ổn định. Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li-băng tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để có thêm thông tin cũng như sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. 

Để hỗ trợ công tác bảo hộ công dân hoặc trong trường hợp cần được trợ giúp, công dân có thể liên hệ với số máy bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập +20 106 039 6518 hoặc số điện thoại tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là +84 981 84 84 84. 

7. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết, hiện tại Việt Nam đã đưa được bao nhiêu công dân về nước? Trong bối cảnh đợt dịch thứ 2 bùng phát, việc đưa công dân về nước sẽ được thực hiện như thế nào? 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực cao nhất của các cơ quan chức năng trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở nguyện vọng của công dân và năng lực cách ly trong nước, cho đến nay đã tổ chức được hơn 80 chuyến bay, đưa về nước hơn 21.000 công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước. 

8. Hôm qua tạp chí Forbes đã đưa tin Trung Quốc đang xây dựng mạng lưới do thám ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao đã ghi nhận thông tin này chưa và sẽ phản ứng như thế nào? 

Tôi sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng. Một lần nữa xin nhấn mạnh, việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích, là trách nhiệm của tất cả các nước trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. Do đó mọi hoạt động của các nước cần phải thực hiện có trách nhiệm, có thiện chí nhằm phục vụ mục tiêu nói trên. 

9. Sáng nay, Facebook của các công dân Việt Nam ở Li-băng đã truyền tay nhau thông tin Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán tại Ai Cập chuẩn bị có chuyến bay đưa công dân từ Li-băng về nước, thông tin này có được xác thực chưa? 

Việc đưa công dân về nước trong thời gian tới sẽ được sắp xếp trên cơ sở nguyện vọng của công dân nhưng phải phù hợp với năng lực cách ly và tình hình diễn biến dịch bệnh ở trong nước 

10. Trung Quốc vừa công bố bản sửa đổi “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa”, trong đó thành lập “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa” và gọi khu vực này là “vùng ven biển” thay cho “vùng biển ngoài khơi”. Xin Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam? 

Việc Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trong Quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. 

Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. 

11. Vừa qua Úc đệ trình lên Liên Hợp Quốc công hàm phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đề nghị Người Phát ngôn cho biết phản ứng về vấn đề này? 

Việc các nước lưu hành Công hàm tại Liên hợp quốc để bày tỏ quan điểm của mình là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế. 

Lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong các dịp khác nhau. Việt Nam cho rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Để làm được điều này, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên | hợp quốc về Luật Biển 1982 là thiết yếu. 

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. 

Trên tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, bao gồm các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này. 

12. Theo tôi được biết, vừa qua Bộ Hòa Bình Mỹ (Peace Corps) ký thỏa thuận với Bộ Giáo dục Việt Nam để đưa tình nguyện viên vào Việt Nam để giảng dạy tiếng anh, xin Người Phát ngôn cho biết một số thông tin hoạt động sắp tới của Peace Corp. 

Ngày 10/7/2020, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức ký kết Hiệp định thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa bình dựa trên Hiệp định khung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2016. Nội dung của Hiệp định thực thi quy định rõ phạm vi hợp tác, số lượng tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình được cử đến Việt Nam trong 02 năm đầu, loại hình cơ sở giáo dục tiếp nhận tình nguyện viên, nội dung hoạt động của tình nguyện viên. 

Đây là một trong những hoạt động quan trọng và có ý nghĩa nhân dịp Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước nói chung và hợp tác giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng./.

 

Nhóm tin: