PHÁT BIỂU  CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG PHẠM BÌNH MINH Tại lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao  và Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025

Tiếng Việt

Link video: https://vimeo.com/452180338

 

PHÁT BIỂU 

CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG PHẠM BÌNH MINH

Tại lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao 

và Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025

 (Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2020) 

 

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương 

Kính thưa đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó  Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương,

Thưa các vị khách quý,

Thưa toàn thể các đồng chí, 

Hôm nay, trong không khí trọng thể cả nước kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bộ Ngoại giao nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các vị khách quý, cùng các thế hệ cán bộ ngoại giao qua các thời kỳ tới dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành ngoại giao và Đại hội thi đua yêu nước của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2020-2025. 

Hiện diện ở đây hôm nay có hàng trăm đồng chí lão thành của ngành qua nhiều thế hệ, những người đã đóng góp xuất sắc vào việc hình thành và xây dựng nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh mà các thế hệ cán bộ hiện nay đang tiếp bước. 

Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ của ngành ngoại giao, chúng tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cá nhân các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho ngành ngoại giao.

Thưa các đồng chí,

75 năm qua, ngành Ngoại giao chúng ta luôn tự hào vì đã có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là Bộ trưởng đầu tiên, Người đã sáng lập, rèn luyện và dìu dắt ngành Ngoại giao Việt Nam. Người đã để lại cả một di sản vô cùng quý báu là Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh; để rồi theo chân Bác, chúng ta có được cơ đồ như ngày hôm nay.

Ngay ngày đầu sau Cách mạng tháng 8, trong hoàn cảnh đất nước thù trong giặc ngoài, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, ngoại giao đã đóng vai trò tiên phong góp phần cùng các binh chủng khác  giữ vững độc lập nước nhà, bảo vệ thành công chính quyền cách mạng còn non trẻ, vận động các nước công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam. 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoại giao sát cánh cùng mặt trận quân sự để đưa kháng chiến đi đến thắng lợi. Ngoại giao đã giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân tộc, cùng các nước bạn bè, anh em và nhân dân thế giới tạo ra một mặt trận quốc tế ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng của ngoại giao trên bàn đàm phán ở Geneva năm 1954 và ở Paris năm 1973 là những dấu mốc quan trọng trên chặng được giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.  

Trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước, ngoại giao cũng đi đầu trong việc đưa đất nước ta thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế. Đồng thời, ngoại giao đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của nước ta. 

Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngoại giao tiếp tục đóng vai trò mở đường, phát triển và đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu, mở rộng các thị trường, các lĩnh vực hợp tác mới, thúc đẩy  thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Ngoại giao đã nỗ lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đó là việc tham mưu các biện pháp, bước đi chiến lược để Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như CPTPP, EVFTA...), qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. 

Bên cạnh đó, ngành ngoại giao đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 

Ngoại giao đa phương đã trưởng thành mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao đã đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức thành công nhiều trọng trách quốc tế lớn. Ngoại giao đã chủ động, tích cực đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến, góp phần vào giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới. 

Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, ASEM, APEC, Cộng đồng Pháp ngữ và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, được bạn bè, đối tác đánh giá cao.

Ngoại giao cùng với quốc phòng, an ninh đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong đó, ngành ngoại giao cùng với các bộ, ngành liên quan đàm phán, xây dựng đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị và phát triển với Lào, Cam-pu-chia và Trung Quốc. Đồng thời, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và công an trong công cuộc “giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”, nhất là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta ở Biển Đông.

Ngoại giao ngày càng gắn kết hơn với người dân, các địa phương và các doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực được tổ chức triển khai, góp phần mở rộng thị trường, đối tác cho doanh nghiệp. Ngoại giao văn hóa đã quảng bá một hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc đang đổi mới thành công; đồng thời vận động để đến nay 39 di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, qua đó vừa đóng góp cho việc bảo vệ các giá trị của nhân loại, vừa tạo nguồn lực cho phát triển ở nhiều địa phương. 

Ngoại giao cũng luôn có mặt trên tuyến đầu trong trong công tác bảo hộ công dân, đã đưa hàng chục ngàn công dân từ những vùng xung đột và vùng dịch về nước, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hàng trăm ngàn công dân ta ở nước ngoài và hàng chục ngàn ngư dân. Đồng thời, trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ngành ngoại giao đã tích cực vận động kiều bào ngày càng hướng về quê hương, đất nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng các nguồn lực tinh thần và vật chất.

Trong đại dịch Covid vừa qua, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ngành ngoại giao đã có nhiều đóng góp vào hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh, triển khai hàng loạt các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương bằng những hình thức linh hoạt như điện đàm, trực tuyến, qua đó duy trì đà quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế, giải quyết các vấn đề trong hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, đồng thời  nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước. 

Trong mọi thời kỳ, ngoại giao luôn đi đầu trong việc đổi mới tư duy, xây dựng và triển khai chính sách, các chiến lược, sách lược đối ngoại khôn khéo, táo bạo, mang tính đột phá. Đặc biệt, ngoại giao luôn phát huy vai trò tiên phong  trong kiến tạo môi trường đối ngoại thuận lợi nhất cho việc giành và củng cố độc lập chủ quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước. 

Thành tựu của ngoại giao Việt Nam qua 75 năm qua có được trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, và đặc biệt là nhờ những cống hiến và phấn đấu của biết bao cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực đối ngoại nói chung cũng như ngành Ngoại giao nói riêng. Chặng đường 75 năm qua đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, toàn diện cả về tầm nhìn, tư duy, bản lĩnh, phong cách, và phẩm chất đạo đức cách mạng. 

Ngành ngoại giao đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng hai lần, Huân chương Hồ Chí Minh 1 lần và nhiều huân chương khác vì những đóng góp xuất sắc của Ngành trong 75 năm qua. 

Thưa các đồng chí,

Thành tích của ngành ngoại giao luôn gắn liền với phong trào thi đua yêu nước do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngay từ năm 1948. Bộ Ngoại giao vinh dự và tự hào được báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch nước như sau: 

Kể từ khi phát động phong trào thi đua yêu nước tại Bộ Ngoại giao giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Giữ vững môi trường hòa bình, hội nhập quốc tế hiệu quả, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ngành ngoại giao tiếp tục đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.  

Mặc dù tình hình thế giới và khu vực 5 năm qua tiếp tục diễn biến nhanh chóng và phức tạp; tác động nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước; nhưng Bộ Ngoại giao đã quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII, triển khai công tác đối ngoại đồng bộ, toàn diện, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và đã thu được nhiều kết quả mang tính đột phá. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (8/2018): “Công tác đối ngoại đã trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước”.

Những thành tích kể trên đã được nêu chi tiết trong Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm qua; phương hướng cho 5 năm tới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2020 - 2025. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số điểm sau:

- Thi đua tại Bộ Ngoại giao đã được phát động với nhiều phong trào thi đua với nội dung thiết thực, cụ thể gắn kết với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bám sát các nhiệm vụ đối ngoại và xây dựng Ngành, lấy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị làm tiêu chí chính để đánh giá kết quả thi đua. 

Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19 vừa qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai công tác đối ngoại, thấm nhuần lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, Đảng ủy Bộ đã ban hành Kế hoạch khắc phục khó khăn, quyết tâm thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ 28, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

- Với đặc thù quản lý mạng lưới các cơ quan đại diện trải dài trên khắp các châu lục, nhất là sau khi hợp nhất Đảng ủy ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao hiện có 133 đơn vị ở trong và ngoài nước, được chia thành 15 Khối thi đua. 

Công tác đánh giá, xếp loại thi đua và bình bầu các danh hiệu thi đua cuối năm được thực hiện công khai, dân chủ trên cơ sở lượng hóa tối đa các tiêu chí đánh giá, xây dựng cơ chế chấm điểm thi đua bằng thang điểm để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các đơn vị ở mức chi tiết nhất. 

- Bộ Ngoại giao luôn tích cực và là một trong những đơn vị đi đầu tham gia hưởng ứng, đặc biệt là đối với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,  “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Ngoại giao đã làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo, đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. 

Bộ Ngoại giao cũng đã làm tốt công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, hướng về quê hương đất nước. 

Nửa đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID 19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nhiều chuyến bay đến các nước để đón hàng nghìn người Việt về nước, trong đó chủ yếu là du học sinh, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. 

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”,  Bộ Ngoại giao đã thúc đẩy việc  xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao gương mẫu, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương; đồng thời tạo lập môi trường làm việc văn minh, hiện đại, minh bạch và hiệu quả.

- Đặc biệt, việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến là nội dung quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước của Bộ Ngoại giao. Trong 5 năm vừa qua, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu 03 điển hình tiên tiến toàn quốc, công nhận nhiều tập thể, cá nhân là điển hình tiên tiến của Bộ Ngoại giao. Các điển hình tiên tiến, tấm gương thi đua nói trên đều đã phát huy vai trò nêu gương và sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị cũng như trong toàn Ngành. 

Kết quả của phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên là trong 5 năm qua, Bộ Ngoại giao có 24 Cờ thi đua Chính phủ, 162 Cờ thi đua cấp Bộ, 105 chiến sĩ thi đua cấp Bộ và 1.816 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 367 Huân chương các hạng, 969 Bằng khen Thủ tướng, 2.273 Bằng khen Bộ trưởng. 

Bộ Ngoại giao là một trong những đơn vị dẫn đầu Khối thi đua các bộ, ngành Khoa học - Văn hóa - Xã hội; được các đơn vị trong Khối tôn vinh, nhiều lần được kiến nghị tặng Cờ thi đua Chính phủ và Bằng khen Thủ tướng. 

Về khen thưởng đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị tặng 247 Huân, Huy chương các hạng, 04 Bằng khen Thủ tướng; tặng 102 Bằng khen Bộ trưởng; cho ý kiến hiệp y khen thưởng đối với 1.410 tổ chức, cá nhân nước ngoài. 

Có thể nói, các phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành ngoại giao nỗ lực phấn đấu, để ngành ngoại giao đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. 

Thưa các đồng chí,

75 năm trước, giữa muôn trùng gian khó, vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng dưới tài chèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam vẫn lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh non sông đất nước. 

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay xin hứa với Đảng, Nhà nước và nhân dân, quyết tâm làm hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, tận dụng mọi thời cơ, để viết tiếp trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phó Chủ tịch nước, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.

Xin trân trọng cảm ơn. 

 

Nhóm tin: