Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng với báo chí trong nước và quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Tiếng Việt

PHÁT BIỂU CỦA

THỨ TRƯỞNG NGUYỄN QUỐC DŨNG VỚI BÁO CHÍ TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ VỀ NĂM CHỦ TỊCH ASEAN 2020

 

Thưa các bạn phóng viên Việt Nam nước ngoài,

Trước hết,thay mặt cho Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, tôi chân thành cảm ơn các anh chị và các bạn đã quan tâm và đến dự buổi họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Như các bạn đều biết, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020.Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. Với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳcông táctriển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội. Theo đó, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đâyvà phát huy những kinh nghiệm nhất định về phát triển kinh tế-xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017…

Từ bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại…, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng như căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Với “Gắn kết” (cohesive),chúng tôi mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Khái niệm “gắn kết” đã được đề cập trong các văn kiện nền tảng của ASEAN là Hiến chương ASEAN vàTầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, gồm: gắn kết về chính trị, gắn kết về kinh tếvà gắn bó giữa các xã hội. Trong bối cảnh ASEAN đang chịu các tác động phức tạp, đa chiều từ bên ngoài và đứng trước nhu cầu phát triển và liên kết sâu rộng của chính ASEAN, nội hàm gắn kết càng trở nên quan trọng hơn với Cộng đồng ASEAN.

Với “chủ động thích ứng”, chúng tôi mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chủ động thích ứng” là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề Năm ASEAN nhằm phản ánh nhu cầu nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự chuyển biến và khả năng vươn lên mạnh mẽ, hướng về phía trước của ASEAN.

 “Gắn kết” và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng hiệu quảđể giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ.

Dưới chủ đề này, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên, gồm:

Một là,phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh….

Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Năm lànâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

{Các ưu tiên trên đồng thời sẽ được gắn kết phù hợp với các ưu tiên Việt Nam sẽ thúc đẩy trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ giai đoạn 2020-2021 để tạo giá trị cộng hưởng.}

Về logo, qua Cuộc thi thiết kế logo vào tháng 4/2019, Việt Nam đã lựa chọn được logo cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các yếu tố như chủ đề, bản sắc chung của ASEAN và văn hóa đặc trưng của Việt Nam đều đã được tính đến và thể hiện trong logo.  Dự kiến cuối tháng 11/2020, Việt Nam sẽ tổ chức lễ công bố logo và khai trương website chính thức của năm ASEAN 2020.

Có thể nói, khối lượng công việc mà Việt Nam sẽ đảm nhiệm trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ rất nặng nề, cả về nội dung lẫn công tác tổ chức, lễ tân, tuyên truyền.

Về quy mô, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 02 dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020 (khoảng 20 đoàn),Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á vào tháng 8/2020, 01 dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (khoảng 30 đoàn), các Hội nghị Bộ trưởng của 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, cácHội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên, Kinh tế, Tài chính, Môi trường, Giao thông Vận tải… và nhiều Hội nghị cấp Thứ trưởng và cấp làm việc để chuẩn bị nội dung cho các hội nghị trên.

Xác định được yêu cầu và nhiệm vụ trên,Việt Nam khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm với sự thành lập của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018.

UBQG gồm Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; ba Phó Chủ tịch là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Tổng Thư ký UBQG là tôi, Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và 25 thành viên là lãnh đạo các Bộ, Cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.

Trực thuộc UBQG ASEAN 2020 có 05 Tiểu ban (Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa, Tiểu ban An ninh - Y tế) và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.

Công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, lễ tân, vật chất-hậu cần, tuyên truyền-văn hóa, an ninh-y tế đã được khẩn trương triển khai. Đồng thời, Việt Nam đang từng bước tiến hành tham vấn trong ASEAN và với các Đối tác về nhiệm kỳ Chủ tịch nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN, đưa vào triển khai trong thực tiễn.

Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu với sự kiện đầu tiên-Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 01/2020.

Để hỗ trợ các bạn phóng viên trong quá trình tác nghiệp, xin cung cấp thêm thông tin về các Bộ, cơ quan Việt Nam đang được phân công phụ trách điều phối các hoạt động hợp tác của ASEAN, như sau:

- Bộ Ngoại giao: là cơ quan điều phối quốc gia giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các hoạt động tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam thông qua đầu mối giúp việc là Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN (Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao). Đồng thời là đầu mối phụ trách, điều phối các hoạt động hợp tác của Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC).

- Bộ Công thương: đầu mối phụ trách, điều phối các hoạt động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: đầu mối phụ trách, điều phối các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC).

Tôi xin kết thúc phần trình bày ở đây. Xin cám ơn các anh chị phóng viên và các bạn đã chú ý lắng nghe.

*****

Nhóm tin: