NDĐT- Ngày 6-12, tại phiên bế mạc Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương về phát triển toàn diện trẻ thơ, các đại biểu đã thông qua “Lời kêu gọi Hà Nội”. Văn bản khẳng định tầm quan trọng của môi trường bền vững trong đạt được khát vọng phát triển trên toàn cầu, trong khu vực, tại mỗi quốc gia và địa phương, và trong việc định hình phạm vi và định hướng phát triển trẻ nhỏ ở khu vực này.
Đại biểu thiếu nhi trao Lời kêu gọi hành động Hà Nội tới các đại biểu (Ảnh: Molisa).
Với mục tiêu “Tăng cường phối liên ngành nhằm thúc đẩy môi trường nuôi dưỡng an toàn và bền vững cho trẻ thơ”, sau bốn ngày làm việc của Hội nghị phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn 500 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, 44 tổ chức quốc tế cùng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng tác động đến phát triển toàn diện trẻ thơ. Đó là từ ban hành khung pháp lý, xây dựng chiến lược, chính sách, phân bổ nguồn lực đến các giải pháp kỹ thuật.
Tại Phiên cấp cao của Hội nghị, các nghị sĩ, đại biểu Quốc hội, các bộ trưởng, thứ trưởng đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học về thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ tại các quốc gia trong khu vực với nhiều thành tựu nhưng cũng vẫn còn không ít thách thức. Có thể thấy rằng, tại nhiều quốc gia, vấn đề phát triển toàn diện trẻ thơ đã được sự quan tâm của Nghị viện, Quốc hội, Chính phủ bằng việc quy định yêu cầu phát triển trẻ thơ trong Hiến pháp, pháp Luật. Đặc biệt, vấn đề đầu tư nguồn lực đã được nhiều đại biểu cấp cao quan tâm thảo luận.
Trong hội nghị này, tại 11 phiên thảo luận chủ đề nhánh, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách, mô hình và hoạt động triển khai khung chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục cha mẹ, thiết lập môi trường an toàn và nhân văn để phát triển trẻ thơ cũng diễn ra sôi nổi với rất nhiều thông tin, bài học quý giá.
Đặc biệt, các đại biểu đã cùng nhau gióng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, thiếu sự chăm sóc do di cư đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến sự phát triển toàn diện trẻ thơ. Điều này đặt các quốc gia trước sự lựa chọn chiến lược, giải pháp để trẻ em chúng ta có sự phát triển chất lượng, thân thiện nhất. Cũng có nghĩa là sự lựa chọn khẩn cấp và lâu dài cho phát triển bền vững mà đích hướng tới là các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị cũng khẳng định tầm quan trọng của phát triển toàn diện trẻ thơ nhằm bảo đảm và nâng cao hơn nữa việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Đặc biệt, việc phối hợp liên ngành, sự hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực, đa quốc gia và cấp độ khu vực được khẳng định như bài học tiên quyết.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, đây là Hội nghị đầu tiên của khu vực cùng nhau xây dựng và thống nhất Lời kêu gọi hành động thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực với sự chứng kiến của trẻ em. Ông hy vọng, Lời kêu gọi Hành động Hà Nội sẽ được chọn như sự ưu tiên về những giải pháp và hành động cần thúc đẩy. Đồng thời, là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực về phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ giúp Chính phủ, hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Lời kêu gọi Hành động Hà Nội. Tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ gia đình và trẻ em, ưu tiên các chính sách thúc đẩy phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời. Phát triển Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Quan tâm đến các giải pháp để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển trẻ thơ như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, di cư, bất bình đẳng của trẻ em ở các vùng khó khăn.
Tại phiên bế mạc, Hội nghị cũng thông qua Lời kêu gọi Hành động Hà Nội về thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực. Lời kêu gọi này kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả vấn đề phát triển toàn diện trẻ thơ tại mỗi quốc gia trong khu vực giai đoạn tới.
Lời kêu gọi nêu rõ, các đại biểu nhận thức được rằng việc trẻ em có thể phát huy hết tiềm năng của mình phụ thuộc vào chất lượng môi trường chung quanh, đặc biệt là môi trường gia đình, cộng đồng và môi trường sống, cũng như các chính sách và chương trình ảnh hưởng đến các em.
Các đại biểu quan ngại rằng, môi trường sống của các trẻ em khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ô nhiễm môi trường và các hiểm họa môi trường khác, các thảm họa tự nhiên và nhân tạo, xung đột, di cư…
Lời kêu gọi Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của môi trường bền vững trong việc đạt được khát vọng phát triển trên toàn cầu, trong khu vực, tại mỗi quốc gia và địa phương, và trong việc định hình phạm vi và định hướng phát triển trẻ nhỏ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ưu tiên đầu tư nguồn lực, đặc biệt là đầu tư vào trẻ em, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội vững mạnh và kinh tế phát triển trong khu vực, phù hợp với các mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các Mục tiêu Phát triển Bền Vững và kế hoạch phát triển của các nước;
Văn bản này kêu gọi cam kết từ các Chính phủ và Quốc hội nhằm phối hợp bảo đảm phát triển toàn diện trẻ em, vận động hỗ trợ từ tất cả các ngành liên quan để thúc đẩy mục tiêu chăm sóc nuôi dưỡng.
Xây dựng những mối quan hệ hợp tác và cơ chế liên ngành trong nội bộ từng quốc gia, liên quốc gia và liên khu vực hướng tới chăm sóc nuôi dưỡng, chia sẻ mô hình tích cực và bảo đảm các Chính phủ và các bên liên quan chịu trách nhiệm về những chính sách và kết quả ảnh hưởng tới trẻ em.
Lời kêu gọi nêu rõ sự thống nhất phối hợp liên ngành để thúc đẩy môi trường an toàn, nuôi dưỡng, bền vững và liên tục cho trẻ em bằng nhiều hành động cụ thể về môi trường chính sách, môi trường sống; môi trường cộng đồng; môi trường gia đình. Các đại biểu rà soát tiến độ thực hiện những nội dung trong bản Kêu gọi hành động này và chia sẻ trong Hội nghị phát triển toàn diện trẻ em khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020.
NGÂN ANH