Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020
THÔNG TIN VỀ NĂM CHỦ TỊCH ASEAN 2020
1. Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020.Với ASEAN, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳtriển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
2. Hoàn thành tốt trách nhiệm của Chủ tịch,Việt Nam sẽ góp phần củng cố đoàn kết và gắn kết ASEAN, nâng cao sức mạnh nội khối, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Hiệp hội cũng như nâng cao vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.
3. Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020:
- Tiếng Việt: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”
- Tiếng Anh: “Cohesive and Responsive”
Giải thích khái niệm:
Khái niệm “Gắn kết” (cohesive) thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh của, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Khái niệm “gắn kết” đã được đề cập trong các văn kiện nền tảng của ASEAN với nhiều sắc thái gồm: gắn kết về chính trị, gắn kết về kinh tếvà gắn bó giữa các xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, nội hàm gắn kết càng trở nên quan trọng hơn với Cộng đồng ASEAN.
Khái niệm “chủ động thích ứng” (responsive) là nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Chủ động thích ứng” là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề Năm ASEAN nhằm phản ánh nhu cầu nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự chuyển biến và khả năng vươn lên mạnh mẽ, hướng về phía trước của ASEAN.
“Gắn kết” và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển cần gia tăng chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.
4. Ưu tiên:Chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” gồm 5 ưu tiên sau:
(i)Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
(ii)Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0: theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh….
(iii) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
(iv) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
(v)Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
****