Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trả lời phỏng vấn cho Channel News Asia về Covid-19 (02/6/2020, trụ sở Bộ Ngoại giao)

Tiếng Việt

1/ Trước việc dịch Covid-19 thời gian qua diễn biến phức tạp và nổi lên như một thách thức an ninh phi truyền thống có tác động to lớn chưa có tiền lệ, xin Ông cho biết về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ bạn bè quốc tế về trang thiết bị y tế, nguồn lực để cùng nhau đi qua dịch bệnh?

- Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã nổi lên là một thách thức an ninh phi truyền thống chưa có tiền lệ, có tác động tiêu cực, sâu rộng tới nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội ở khắp nơi trên thế giới. Với quan điểm “dịch bệnh không chừa một ai và tác động đến tất cả” và tinh thần chủ động, là thành viên có trách nghiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam từ sớm đã ý thức và đặt ưu tiên cao cho hợp tác quốc tế để cùng chung tay đối phó dịch bệnh:

(i) Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế, trong khuôn khổ song phương và đa phương, đồng thời phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Đến nay Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã điện đàm, thăm hỏi, chia sẻ thông tin với Lãnh đạo 29 nước và tổ chức quốc tế, tham dự 21 hội nghị quốc tế trực tuyến để trao đổi về hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Tuyên bố Hành động chung của ASEAN, chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3, tham dự và phát biểu tại các Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 và Phong trào Không liên kết về ứng phó với dịch bệnh Covid-19, phát biểu trước Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới về phòng, chống dịch bệnh... 

(ii) Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, Việt Nam cảm thông, chia sẻ với khó khăn của các nước và đã có những đóng góp chân thành, thiết thực vào việc phòng, chống dịch ở khu vực và toàn cầu. Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành, hội hữu nghị và toàn thể nhân dân Việt Nam đã có nhiều hình thức hợp tác, hỗ trợ 25 nước và tổ chức quốc tế về tài chính và vật chất. Nổi bật trong số đó là việc viện trợ và xuất khẩu một số vật tư, trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất như khẩu trang, quần áo bảo hộ, bộ kit xét nghiệm… với trị giá lên tới hàng triệu đô la Mỹ.

Đồng thời, Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu từ nhiều quốc gia, bạn bè, cộng đồng quốc tế; hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia trong việc hoàn thiện phác đồ điều trị, nghiên cứu vắc-xin...

- Những nỗ lực, sự chân thành của Việt Nam trong hợp tác và hỗ trợ quốc tế được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Lãnh đạo nhiều nước đã bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn chân thành dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ, sẻ chia trong những thời điểm khó khăn.

- Với tinh thần trách nhiệm, nhất là trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tập trung nguồn lực, nghiên cứu, tìm ra vắc-xin, thuốc đặc trị và phác đồ điều trị, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác, khôi phục lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu và các hoạt động kinh tế - thương mại nhằm phục hồi nền kinh tế toàn cầu và ở từng nước.

2. Xin Ông cho biết kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phối hợp với các nước trong nỗ lực bảo hộ công dân, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp khi dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua?

- Covid-19 là đại dịch nguy hiểm, chưa có tiền lệ, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội toàn cầu, tác động tiêu cực tới tâm lý, đời sống của người dân trên toàn thế giới. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người dân có nhu cầu đi ra nước ngoài để học tập, làm việc, công tác, du lịch, thăm thân hay chữa bệnh. Do đó, thời gian qua đã nảy sinh nhiều tình huống chưa từng có trong công tác bảo hộ công dân như: nhiều người bị mắc kẹt tại sân bay các nước khi các hãng hàng không ngừng vận chuyển, biên giới đóng cửa, nhiều người mất việc làm, gặp khó khăn trong lưu trú, sinh viên bị đóng cửa ký túc xá, hạn chế trong tiếp cận chăm sóc y tế…

- Trước tình hình đó, đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương vào cuộc; kiên trì bám trụ địa bàn, nhất là tại các địa bàn có đông cộng đồng người Việt; trực tiếp bảo hộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại yêu cầu hỗ trợ, đảm bảo lưu trú, việc làm, chăm sóc y tế, ổn định cuộc sống cho công dân Việt Nam.

Đặc biệt, các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước đã tích cực làm việc với sở tại để đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản thủ tục, nhanh chóng cấp phép cho các chuyến bay thương mại để đưa công dân Việt Nam về nước vì lý do nhân đạo. Đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước tổ chức 25 chuyến bay đến 21 quốc gia, đón về nước an toàn hơn 6400 công dân (thuộc diện đối tượng ưu tiên, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, ốm đau, có bệnh nền và có hoàn cảnh đặc biệt khác).

- Đối với công dân nước ngoài ở Việt Nam, Việt Nam đã chủ trương tạo điều kiện thuận lợi trong việc gia hạn thị thực, lưu trú; đồng thời hỗ trợ tích cực các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài hồi hương. Người dân Việt Nam ở nhiều địa phương cũng đã chia sẻ, đùm bọc cho những người nước ngoài gặp khó khăn do mắc kẹt tại Việt Nam.

- Đối với trường hợp người nước ngoài không may bị mắc bệnh, Việt Nam đã dồn nhiều nguồn lực chữa trị thành công cho hầu hết các trường hợp này. Ngay cả trường hợp phi công người Anh dù bị bệnh rất nặng nhưng đã được các y, bác sĩ Việt Nam tận tình cứu chữa, đến nay đã có những tiến chuyển tích cực. Nhiều người dân, doanh nghiệp Việt Nam còn đề nghị, sẵn sàng quyên góp chi phí, thậm chí hiến phổi để cứu giúp người bệnh.

3. Theo Ông, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động thế nào tới tình hình quốc tế, khu vực và đã tạo ra khó khăn gì cho các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020? Đâu là những định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trước các vấn đề nổi lên như an ninh ổn định trên biển, duy trì và thúc đẩy thương mại đa phương hoặc duy trì chuỗi cung ứng trong khu vực?

- Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội, tác động mạnh mẽ đến tình hình quốc tế, khu vực. Có đánh giá cho rằng, “cuộc khủng hoảng” do đại dịch Covid-19 gây ra còn mạnh hơn, nhanh hơn, trầm trọng hơn so với Đại suy thoái 1929 - 1933. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các nước ở ASEAN đang phải “căng mình” chống lại tác động tiêu cực của dịch bệnh như tăng trưởng âm, hoạt động sản xuất – kinh doanh, thương mại bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn…

- Trong bối cảnh đó, nhiều kế hoạch đối ngoại của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Các chuyến thăm của Lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài và của các nước đến Việt Nam chưa thể thực hiện. Trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ, nhiều hoạt động đối ngoại lớn, hội nghị các cấp của ASEAN tại Việt Nam và các cuộc họp của HĐBA phải thay đổi, điều chỉnh.

- Tuy nhiên, trên tinh thần “biến nguy thành cơ”, Việt Nam đã và đang tích cực hành động, thay đổi cách làm, chuyển hướng, tổ chức các hoạt động đối ngoại cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới với nhiều hình thức và nội dung sáng tạo, linh hoạt, nhằm đảm bảo những mục tiêu lớn của đất nước cho năm nay và những năm tới, cụ thể là:

(i) Phấn đấu cùng các nước đóng góp tích cực và thiết thực trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; tạo điều kiện thuận lợi và với mục tiêu cao nhất để kiểm soát tốt, đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh, tiến tới khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

(ii) Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó Covid-19 thông qua việc chia sẻ thông tin, điều phối chính sách và phối hợp hành động trong khuôn khổ song phương và đa phương; tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến và kết quả chính đã được lãnh đạo các nước ASEAN thông qua tại các Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua.

(iii) Thúc đẩy phục vụ mục tiêu “kép” vừa chống dịch tốt, vừa phục hồi nhanh, bền vững kinh tế; khôi phục giao thương bình thường với các đối tác đã kiểm soát tốt dịch Covid-19; tranh thủ các hiệp định tự do thương mại đã ký như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA); thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đàm phán với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và một số đối tác khác; thu hút dòng đầu tư dịch chuyển từ các đối tác phát triển và các tập đoàn đa quốc gia…

(iv) Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất, nhập khẩu; duy trì thị trường hiện có và “khai phá” thị trường mới; qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội.

(v) Duy trì lộ trình triển khai các chương trình nghị sự và kết quả đối ngoại ưu tiên, nhất là việc đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế như Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.

4. Trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay. Xin Ông cho biết thêm về các nỗ lực này và các nội dung nghị sự ưu tiên của Việt Nam cho Hội Nghị Cấp Cao ASEAN dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới tại Việt Nam?

Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 trong hoàn cảnh đầy thách thức khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực và phát huy tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với đại dịch. Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, thời gian qua, dưới sự điều phối và khuyến khích của Việt Nam, ASEAN đã tăng cường phối hợp, trao đổi qua các hình thức linh hoạt như họp trực tuyến, ra quyết định thông qua cho ý kiến bằng văn bản, trao đổi trực tiếp qua các phương tiện điện tử… và đạt được nhiều kết quả quan trọng:

- Việt Nam đã sớm ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh Covid-19; sớm triệu tập họp Hội nghị điều phối chung trong ASEAN, thành lập Nhóm công tác liên ngành cấp Thứ trưởng về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; tham dự và phối hợp tổ chức các hội nghị ASEAN với các đối tác và tổ chức quốc tế như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)…

- Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 ngày 14/4/2020 về phòng chống Covid-19 với tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc và Nhật Bản, Tổng Thống Hàn Quốc, Tổng Thư ký ASEAN và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hội nghị đã thông qua nhiều sáng kiến và kết quả quan trọng như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, xây dựng Kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế, xây dựng Quy trình tiêu chuẩn của ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, xây dựng Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu Covid-19.

- Về hợp tác y tế, ASEAN đã kích hoạt các mạng lưới thông tin trong khu vực về y tế, ứng phó với tình hình khẩn cấp; xây dựng cổng thông tin về các biện pháp của kênh y tế ASEAN trên website ASEAN; hoàn tất xây dựng Báo cáo đánh giá rủi ro về sự lây nhiễm của dịch Covid-19…

- Trước đó, đầu năm 2020, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công một số Hội nghị quan trọng như Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (Nha Trang, 15-17/1/2020), Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (Hà Nội, 19/2/2020) và Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (Đà Nẵng, 10/3/2020)

Do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và các Hội nghị liên quan dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 tại Đà Nẵng. Việt Nam đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị và đang tiến hành tham vấn với các nước thành viên ASEAN để xây dựng chương trình nghị sự, hoạt động, đảm bảo Hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹp./.

Nhóm tin: