Thứ 6, 17:54, 31/01/2020
-
VOV.VN -Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và 2 nước thời gian qua không ngừng được vun đắp.
Chiều 31/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng hoan nghênh các hoạt động xúc tiến hợp tác thương mại và đầu tư giữa Thụy Điển và ASEAN nói chung, Thụy Điển và Việt Nam nói riêng. Thủ tướng đề nghị các bên thúc đẩy chia sẻ thông tin về thương mại và đầu tư, đồng thời tán thành với Đại sứ về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo giữa hai nước thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe. |
Thủ tướng bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua không ngừng được vun đắp và phát triển, nhất là trong bối cảnh hai nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng chia sẻ, Đại sứ là nhà ngoại giao đầu tiên đến xông đất Chính phủ Việt Nam và theo phong tục Việt Nam, điều đó mang lại nhiều may mắn.
Nhắc lại truyền thống quan hệ hai nước, Thủ tướng khẳng định, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và khắc sâu trong tim hình ảnh những người bạn Thụy Điển, trong đó có cố Thủ tướng Olof Palme, đã xuống đường tuần hành ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như những hỗ trợ quý báu của Thụy Điển trong công cuộc xây dựng đất nước.
Thủ tướng khẳng định, Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng và đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2018, hết tháng 9/2019 đạt 1,2 tỷ USD. Hiện Thụy Điển có 67 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 364 triệu USD. Thủ tướng cho rằng, đây là những con số còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác hai nước và đề nghị, trong nhiệm kỳ này, Đại sứ thúc đây mạnh mẽ hợp tác thương mại và đầu tư hai nước.
Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe trân trọng cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp và bày tỏ vinh dự là Đại sứ được bổ nhiệm vào năm 2019, đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đại sứ cho rằng, năm qua đã chứng kiến nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển.
Năm qua cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, quốc gia có môi trường chính trị ổn định. Bà chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời bày tỏ mong muốn các hiệp định, thỏa thuận giữa Việt Nam và Thụy Điển cũng như với EU sớm đi vào thực tiễn, mang lại lợi ích cho các bên.
Nhắc lại truyền thống hợp tác giữa hai nước, Đại sứ nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Thụy Điển, nhân dân Thụy Điển luôn ủng hộ nhân dân Việt Nam cả trong giai đoạn cuộc chiến đấu chính nghĩa giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.
Cho rằng, mối quan hệ hai nước đã chuyển sang giai đoạn mới, Đại sứ mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư vốn còn nhiều tiềm năng cần khai thác, đặc biệt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm tới Việt Nam. Hiện có nhiều thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển đầu tư tại Việt Nam, tạo hàng trăm nghìn việc làm và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Đại sứ Thụy Điển cũng đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, một lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không và một số lĩnh vực khác.
Cho biết, dự kiến hai tuần tới sẽ có Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Thụy Điển và ASEAN, Đại sứ cho rằng, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển lắng nghe quan điểm phát triển kinh tế của ASEAN cũng như Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Thụy Điển đánh giá cao Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng, đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam thông qua những tiêu chuẩn lao động mới phù hợp thông lệ quốc tế.
Toàn cảnh buổi tiếp. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với Đại sứ về nhiều vấn đề thúc đẩy hợp tác hai nước, trong đó có việc tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và mong muốn đón Thủ tướng Thụy Điển sớm thăm Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Thụy Điển đã ủng hộ và đề nghị Thụy Điển tiếp tục quan tâm thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm nhất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Hiện Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ để Quốc hội xem xét, phê chuẩn các Hiệp định này sớm nhất.
Cho biết, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, Thủ tướng tin tưởng trong nhiệm kỳ của Đại sứ, có nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, góp phần nâng kim ngạch thương mại song phương cũng như tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới.
*** Cũng trong chiều 31/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Nicolas Warnery.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp hai nước thời gian qua với nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Tổng thống Pháp và mong sớm đón Tổng thống Pháp thăm Việt Nam.
Về dịch bệnh cả thế giới quan tâm là dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam rất kiên quyết, đưa ra các giải pháp đồng bộ, hạn chế tối đa dịch bệnh. Các thông tin dịch bệnh được công khai minh bạch, tuyên truyền vận động để mọi người dân cùng tham gia phòng chống dịch. Trong quá trình này, rất nhiều bác sĩ của Việt Nam học và nghiên cứu tại Pháp trở về cùng tham gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. |
Đại sứ Pháp bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, nhất là vào dịp đầu năm mới theo lịch âm lịch của Việt Nam. Ông cũng chia sẻ với Thủ tướng về tình hình kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra tại Pháp và cho biết, Pháp cũng có nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch.
Đánh giá quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp thời gian qua, trong đó có nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, Đại sứ cho biết, nhiệm vụ của ông sắp tới là thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận trong các chuyến thăm cấp cao đó.
Với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, ông vui mừng nhận thấy Việt Nam và Pháp ủng hộ giá trị chung là chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đại sứ bày tỏ tâm đắc bởi ngay sau khi là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an rất thành công, đóng góp tích cực vào vấn đề hòa bình thế giới.
Về vấn đề biển Đông, Đại sứ khẳng định lại quan điểm của Pháp về việc ủng hộ tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Trong các lĩnh vực hợp tác hai nước, Đại sứ cho biết, Pháp rất ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) và đang tiếp tục có nhiều biện pháp thúc đẩy các nghị sĩ và Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, Pháp mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trong đó có phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam và gần đây có nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường, góp phần thực hiện các cam kết trong Thỏa Thuận Pari.
Pháp cũng mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, y tế, Chính phủ điện tử; thúc đẩy triển khai một số dự án tại Hà Nội như về cải thiện chất lượng không khí, hạ tầng, môi trường. Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực văn hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Pháp đã ủng hộ Việt Nam trong việc thúc đẩy Nghị viện châu Âu phê chuẩn các Hiệp định, bởi vai trò của Pháp tại châu Âu là rất quan trọng. Thủ tướng đề nghị Pháp sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn hai thỏa thuận quan trọng này để hiện thực hóa các lợi ích thiết thực của hai Hiệp định.
Với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Thủ tướng cảm ơn Pháp đã ủng hộ Việt Nam và tin tưởng sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên tiếp tục đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh thế giới.
Thủ tướng cũng đánh giá cao quan điểm của Pháp về vấn đề Biển Đông và đề nghị Pháp tiếp tục có vai trò tích cực và xây dựng tại khu vực; đánh giá cao Pháp về các cam kết và sáng kiến với các vấn đề quốc tế và toàn cầu, trong đó có vấn đề hệ trọng là biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại.
Trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Pháp ủng hộ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc xây dựng Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hoan nghênh Pháp triển khai các dự án trong lĩnh vực môi trường, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Pháp thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Cho rằng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư còn rất lớn, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Pháp trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh, trong đó có lĩnh vực hàng không.
Cho biết, trong các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng tại nhiều Diễn đàn quốc tế quan trọng gần đây, Tổng thống Pháp đều bày tỏ quan điểm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, Thủ tướng đề nghị trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ có nhiều biện pháp để hiện thực hóa quan điểm này. Thủ tướng tin tưởng, trong nhiệm kỳ của Đại sứ, hai nước sẽ tiếp tục phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn nữa./.