Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Tiếng Việt

18h30 ngày 21 tháng 5 năm 2020

Phóng viên NHK (Nhật Bản): 

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đưa ra các biện pháp có thể nói là hết sức quyết liệt và kịp thời nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan như các biện pháp về kiểm soát xuất, nhập cảnh, hạn chế đi lại quốc tế, thực hiện cách ly tập trung, theo dõi những trường hợp đi từ nước ngoài về... Xin Thủ tướng cho biết tại sao Việt Nam lại có những quyết định như vậy và đã triển khai như thế nào?

Thủ tướng trả lời:

Covid-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm, với tốc độ lây lan nhanh, chưa có tiền lệ, chưa có vắc xin, thuốc điều trị, gây ra những tác động nghiêm trọng chưa từng có đối với đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ, mọi mặt cuộc sống và tâm lý của người dân trên toàn thế giới.

Là quốc gia có nền kinh tế có độ mở lớn, mức độ hội nhập, giao lưu quốc tế cao, ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện trên thế giới, Việt Nam đã sớm nhận thức được nguy cơ dịch xâm nhập là rất cao. Với tinh thần chỉ đạo chung là chủ động theo dõi sát, đánh giá đúng tình hình, đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với thực tế và thực lực của đất nước, chúng tôi đã đưa ra nhiều chỉ đạo với các biện pháp quyết liệt, tập trung triển khai ứng phó, ngăn chặn dịch lây lan với nhiều biện pháp sớm hơn và mức độ cao hơn các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. 

Việt Nam đã triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chính là:

- Quan điểm xuyên suốt là chủ động, không chủ quan, “chống dịch như chống giặc”, huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, lấy phòng dịch làm ưu tiên, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, điều trị hiệu quả, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.

- Với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”;  chúng tôi đã xây dựng và thực hiện từ rất sớm các biện pháp phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Kiên quyết cách ly tập trung, giãn cách xã hội, kiểm soát số lượng lớn người nhập cảnh một cách phù hợp với phương châm “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), ngăn chặn hiệu quả dịch xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. 

Những chỉ đạo và biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ đã được sự đồng lòng ủng hộ, chung tay hành động của người dân cả nước. Đến nay, Việt Nam - quốc gia gần 100 triệu dân nhưng tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là chỉ hơn 300 ca (trong đó có cả người nước ngoài và người Việt Nam từ nước ngoài trở về); hơn 80% ca đã được chữa khỏi, chưa có trường hợp tử vong. Liên tục trong hơn một tháng qua, không ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng. 

Mô hình phòng chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp của Việt Nam được người dân tin tưởng. Cộng đồng quốc tế, nhiều quốc gia và hãng truyền thông uy tín đã đánh giá cao, đặc biệt là tính nhân văn của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và an toàn cho cộng đồng, trong đó đã hỗ trợ, chữa trị hiệu quả cho nhiều công dân nước ngoài mắc Covid-19 tại Việt Nam

 Phóng viên NHK (Nhật Bản): 

Trong khi các nước khác trên thế giới e ngại về các biện pháp chống dịch quyết liệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thì Thủ tướng đã có tuyên bố “Vì sức khỏe của dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế”. Xin Thủ tướng chia sẻ thêm về việc tại sao Chính phủ Việt Nam lại có quyết định như vậy?

Thủ tướng trả lời:

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng tôi đã từng nói “dân cường thì nước thịnh”. Với tinh thần đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi sức khỏe là vốn quý của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội.

Do đó, ngay khi xác định đây là dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy phòng dịch làm ưu tiên, thậm chí chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân. Quyết định hợp lòng dân, đậm tình người này đã được người dân cả nước đồng lòng ủng hộ thể hiện qua việc các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội. 

Có thể nói những thắng lợi đầy ý nghĩa vừa qua trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là kết tinh của tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Viêt Nam; thể hiện sự ưu việt, giá trị cốt lõi của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào Đảng và Nhà nước Việt Nam

Ngay thời điểm dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, Chính phủ Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tập trung cao độ phòng chống dịch, vừa nỗ lực cao nhất để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội, đời sống của nhân dân. 

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, đồng thời vẫn giữ vững được sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Việt Nam đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan phòng chống dịch hiệu quả và nhịp sống kinh tế của đất nước đang dần trở nên sôi động. 

 Phóng viên Bloomberg (Hoa Kỳ): Xin Thủ tướng cho biết đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu và cả năm 2020? Chính phủ có cân nhắc nới lỏng các chính sách tiền tệ để thúc đẩy việc khôi phục, phát triển kinh tế hay không?

Thủ tướng trả lời:

Cũng như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, dịch bệnh đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại… 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; trong đó có gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và hỗ trợ trực tiếp các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.

Đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững ổn định, tăng trưởng GDP quý I đạt 3,82% (thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và trên thế giới); xuất khẩu 04 tháng tăng 4,7%, xuất siêu gần 3 tỷ USD. Duy trì ổn định sản xuất kinh doanh; đời sống người dân và an sinh xã hội dù còn khó khăn nhưng cơ bản được bảo đảm. Việt Nam đã nỗ lực sớm kiểm soát, đẩy lùi được dịch Covid-19, nay là cơ hội để vượt lên trong phục hồi, phát triển kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng chúng tôi phấn đấu tăng trưởng GDP trong năm 2020 tăng 4-5%. 

Về vấn đề tài chính tiền tệ, Chính phủ đang điều hành một cách chủ động, thận trọng, đồng bộ và linh hoạt. Việc sử dụng chính sách tiền tệ cũng như các chính sách khác sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, bảo đảm tăng trưởng hợp lý và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Phóng viên Bloomberg (Hoa Kỳ): 

Dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam triển khai những kế hoạch, biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ cho các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế bị tổn thương do dịch bệnh như các ngành nghề sản xuất, dệt, may mặc, nông sản, du lịch, vận tải…?

Thủ tướng trả lời:

Cùng với việc không chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc sau dịch. Tôi xin nêu một số giải pháp cụ thể như sau:

- Một là về biện pháp tiền tệ, tiếp tục cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, giảm chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; có chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi phù hợp, hỗ trợ ổn định kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề của dịch Covid-19 với tổng quy mô ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng.

- Hai là về biện pháp tài khóa, triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phù hợp với tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu lao động. Tiếp tục rà soát, thực hiện theo thẩm quyền và báo cáo Quốc hội và các cấp có thẩm quyền về việc giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí, lệ phí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng; 

- Ba là đầu tư, huy động, triển khai mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư tư nhân, nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư công, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu; nắm bắt thời cơ về nhu cầu gia tăng làm việc từ xa và thương mại điện tử của người dân và doanh nghiệp để tăng tốc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

- Bốn là cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tập trung rà soát, hoàn thiện, kịp thời ban hành cơ chế chính sách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh; chuẩn bị sẵn các điều kiện và tận dụng tốt các thời cơ để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu;

- Năm là phát triển thị trường nội địa gần 100 triệu dân và hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì thị trường hiện có và tìm kiếm thị trường mới, nhất là các thị trường của các Hiệp định FTA cho giai đoạn phát triển mạnh sau dịch.  

Người Việt Nam luôn cho rằng “trong nguy có cơ”. Thực hiện phương châm hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, chúng tôi tin tưởng rằng, với niềm tin, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, sự quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ vượt lên phục hồi nhanh, tái tạo lại các nền tảng ổn định xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch trên toàn thế giới.

Phóng viên Akahata (Nhật Bản): 

Theo Thủ tướng, những yếu tố nào đã góp phần và quyết định cho sự thành công trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam? Tinh thần đoàn kết và hợp tác cao của người dân Việt Nam có vai trò thế nào trong thành công này? Để có được sự đồng thuận cao trong xã hội, Đảng, Chính phủ đã coi trọng công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin như thế nào?

Thủ tướng trả lời:

Tôi cho rằng để đạt được những kết quả bước đầu rất đáng mừng trong phòng chống COVID19 vừa qua là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhận thức sớm dịch bệnh, có biện pháp đúng, chỉ đạo quyết liệt, đặt người dân làm trung tâm và được nhân dân ủng hộ, chung tay hành động. Cụ thể là:

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt và kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của cả hệ thống chính trị Việt Nam; sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của nhân dân cả nước. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan chức năng, với “tuyến đầu” là hệ thống y tế công lập, các lực lượng quân đội, công an làm nòng cốt. 

Có thể nói tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” đã làm nên “thành công, thành công, đại thành công” của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong đại dịch.

- Quan điểm nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết tạo được sự đồng thuận và niềm tin lớn trong nhân dân. Qua đó, những giá trị cốt lõi và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái tiếp tục được thể hiện và phát huy.

- Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt, thông tin được công khai, minh bạch để người dân và toàn xã hội biết, trao đổi, kiểm tra, giám sát; đồng thời, góp phần tạo đông thuận xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và sự chủ động của nhân dân trong phòng chống dịch, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, độc đáo đã lan tỏa ra toàn thế giới như những bài hát tuyên truyền các biện pháp chống Covid, những bức tranh cổ động, những câu chuyện người tốt, việc tốt đã truyền cảm hứng cho đông đảo người dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. 

- Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thay đổi, cải tiến phương thức làm việc hàng ngày. Có thể nói đây chính là cơ hội và môi trường thuận lợi để ứng dụng triệt để công nghệ 4.0 vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội cũng như trong triển khai phòng chống và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh.

Nhân đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các bạn có mặt hôm nay cũng như các hãng truyền thông, báo chí quốc tế thời gian qua đã luôn theo sát, đồng hành, dành sự quan tâm và có những đánh giá toàn diện, khách quan về tình hình, kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Sự ghi nhận, đánh giá cao của các bạn cũng là nguồn khích lệ lớn cho chúng tôi trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này.

 

Phóng viên Itar Tass (Nga): Xin Thủ tướng biết đến khi nào Việt Nam sẽ mở cửa và khôi phục trở lại các chuyến bay quốc tế?

Thủ tướng trả lời:

Trong suốt thời gian chống dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì chính sách cho phép xuất nhập cảnh của người nước ngoài với mục đích ngoại giao, công vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhập cảnh đối với các đối tượng chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch y tế vào làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động hợp tác với các nước, tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam, những người gặp khó khăn, học sinh nhỏ tuổi… ở các vùng dịch có nguyện vọng về nước và tạo điều kiện cho người nước ngoài ở Việt Nam hồi hương. 

Hiện nay, Việt Nam đã bước sang giai đoạn “bình thường mới”: vừa phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải phòng chống dịch hiệu quả. Việc nghiên cứu, nới lỏng các chính sách xuất nhập cảnh, mở lại các chuyến bay thương mại với các nước trong thời gian tới là cần thiết để khôi phục đà phát triển kinh tế nhưng cũng không được chủ quan, phải nghiên cứu kỹ lưỡng và cần được triển khai dựa trên kế hoạch, lộ trình, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh ở trong và ngoài nước, không để dịch bệnh có khả năng tái bùng phát tại Việt Nam.

Phóng viên Itar Tass (Nga): Việt Nam đã có những hỗ trợ thế nào với các nước và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19? Việt Nam có sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm dựa trên những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được hay không?

Thủ tướng trả lời:

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, từ trước đến nay, Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ và nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu, chia sẻ từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế của LHQ, nhất là Tổ chức Y tế thế giới trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Với truyền thống “tương thân tương ái”, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hợp tác với hơn 20 quốc gia và tổ chức quốc tế trong đại dịch này. Với tình cảm chân thành, Chính phủ Việt Nam đã tặng khẩu trang, vật tư, thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất trị giá hàng triệu đô la Mỹ cho Chính phủ, nhân dân một số nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, các nước láng giềng, bạn bè, hữu nghị, truyền thống, đối tác quan trọng của Việt Nam, trong đó có Chính phủ và nhân dân Liên bang Nga. Ngày 21/4/2020, tôi đã điện đàm với Thủ tướng Nga Mi-kha-in Mi-su-stin về hợp tác phòng chống dịch Covid 19 giữa hai nước.

 

Chúng tôi cũng hỗ trợ tích cực các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài hồi hương về nước. Những bác sỹ, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đã tận tình cứu chữa cho người nước ngoài không may nhiễm bệnh, nhiều người đã được chữa khỏi và trở về quê hương. Người dân nhiều địa phương đã chia sẻ, đùm bọc cho những người nước ngoài gặp khó khăn do mắc kẹt tại Việt Nam…

Cùng với đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN trước dịch Covid-19, chủ trì thành công các Hội nghị Cấp cao trực tuyến đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19. Tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20, Hội nghị cấp cao trực tuyến Phong trào Không liên kết; phát biểu trước Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống dịch bệnh. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có thư gửi các nghị viện thành viên Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA). Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã điện đàm, thăm hỏi với Lãnh đạo 25 nước và tổ chức quốc tế, tham dự 17 hội nghị quốc tế qua hình thức trực tuyến, trao đổi với các nước bạn bè và đối tác gần xa về hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với các nước. Chúng tôi tin rằng với sự chung tay của cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ sớm ngăn chặn và đẩy lùi thành công dịch bệnh nguy hiểm này.

Xin trân trọng cảm ơn các bạn./.

Nhóm tin: