Từ ngày 5-8/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới Áo tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 WCSP5 với chủ đề “Sự dẫn dắt của nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất” diễn ra tại Viên, là một sự tiếp nối của Hội nghị WCSP5 Phiên họp vào tháng 8/2020, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra những phiên thảo luận chung chuyên đề về: Hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới; giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19; phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; cân bằng mối quan hệ giữa cởi mở, minh bạch và khả năng tiếp cận của nghị viện và vấn đề an ninh; Nghị viện và quản trị toàn cầu, tăng cường vai trò của nghị viện đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Cấp cao về chủ đề chung Hội nghị.
WCSP5 là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức theo cơ chế 5 năm/lần với chương trình nghị sự là những nội dung bao trùm, có tính thời sự, cấp thiết trên toàn cầu. Năm nay, Hội nghị có sự tham dự của 144 đại biểu cấp Chủ tịch Quốc hội và 30 cấp Phó Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới. Hội nghị tạo nên cơ hội cho các nước tăng cường tiếp xúc song phương trong khuôn khổ Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có 2 bài phát biểu quan trọng (tại phiên khai mạc và phiên thảo luận chuyên đề) gửi gắm thông điệp từ thực tiễn của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 3 điểm: Thứ nhất, người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia. Thứ hai, thực hiện công bằng vaccine cho mọi người, củng cố hệ thống y tế tự cường, hợp tác sản xuất vaccine. Thứ ba, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các cơ chế đa phương hiệu quả là cơ sở cho kết nối hài hòa giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu với thực tiễn của khu vực và quốc gia vì hòa bình, phát triển bền vững.
Chuyến đi chuyển tải thông điệp, hình ảnh về đất nước Việt Nam với một Quốc hội hành động, là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác đa phương, có chính sách đối ngoại rộng mở, khát khao phát triển, nỗ lực vươn lên trong đại dịch; đồng thời thể hiện sự coi trọng của Quốc hội và Việt Nam đối với Hội nghị WCSP5, với Nghị viện châu Âu và với nghị viện các nước đối tác. Đồng thời, việc tham dự Hội nghị WCSP5 còn thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Nghị viện Áo.
Về song phương, bên lề Hội nghị WCSP5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp xúc 12 cuộc với các đoàn đại biểu Quốc hội châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn/Chủ tịch Nghị viện các nước Chủ tịch Quốc hội Indonesia Puan Maharani, Chủ tịch Thượng viện Nhật bản Santo Akiko, Chủ tịch Quốc hội Cuba, Chủ tịch Quốc hội Chi lê, Phó Chủ tịch Thượng viện Anh Eleanor Laing, Chủ tịch Hạ viện Ý, và Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ.
Đồng thời ông đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế có trụ sở tại Viên là Tổng Giám đốc văn phòng Liên Hợp Quốc tại Áo (UNOV) và ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Từ nỗ lực vận động của Đại sứ quán và sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động của IAEA, nhân dịp này, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã chính thức tuyên bố tặng Việt Nam 3 bộ trang thiết bị theo công nghệ nguyên tử nhằm chẩn đoán Covid-19 cũng như các loại bệnh có nguồn gốc từ động vật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn dành thời gian gặp gỡ các Đại sứ Việt Nam tại Áo, Hungary, Ba Lan, Séc, Đức và Slovakia; gặp gỡ 70 đại diện kiều bào ta tại 6 nước trên. Vì tình hình dịch bệnh, cuộc gặp diễn ra hạn chế về số lượng nhưng thực chất và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội và kiều bào cùng chia sẻ nhiều vấn đề như xây dựng luật, phát triển văn hóa, duy trì dạy tiếng Việt; kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, đóng góp cho Quỹ phòng chống dịch…
Đặc biệt, sáng 6/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Áo do Phòng Thương mại Công nghiệp Áo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức với sự tham dự của 60 doanh nghiệp 2 bên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng dành thời gian tiếp nhiều doanh nghiệp Áo, đặc biệt là Trường Đại học IMC Krems, WEFORYOU, CHRISTOF INDUSTRIES và DELFORT GROUP là những tập đoàn đang triển khai các dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ các nỗ lực chống dịch của Việt Nam với hơn 1,5 triệu kit xét nghiệm nhanh Covid-19 và 30.000 khẩu trang y tế.
Đây là Hội nghị tầm cỡ thế giới đầu tiên được Áo tổ chức theo hình thức trực tiếp trong bối cảnh thế giới và các nước Châu Âu đang bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, là dấu ấn cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống. Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển của ngoại giao nghị viện, củng cố vai trò của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), làm sống động, nâng tầm ngoại giao đa phương sau một thời gian dài gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế. Vì thế, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự hội nghị còn thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội nước ta đối với Nghị viện Áo.
Hội nghị chứng tỏ Áo và các nước Châu Âu khác có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, thể hiện quyết tâm của Hội đồng Quốc gia Áo và Nghị viện các nước châu Âu đem lại sức sống mới, khôi phục niềm tin của người dân khu vực châu Âu đối với chính sách và sự phát triển của Liên minh châu Âu, đồng thời, gắn kết quan hệ trên kênh nghị viện giữa các quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, việc Chủ tịch Quốc hội ta tham dự Hội nghị cho thấy một quyết tâm rất cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam, vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì các hoạt động ngoại giao, kinh tế.
Việc duy trì các hoạt động ngoại giao, kinh tế trong thời điểm này cũng chính là để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Các hoạt động ngoại giao vaccine, mua bán trang thiết bị y tế cũng là một trong những trọng tâm chính trong chuyến thăm châu Âu lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chuyến đi Áo với gần 30 hoạt động trong hơn hai ngày cho thấy một cường độ làm việc rất khẩn trương, tối đa hóa các cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ta. Có thể nói rằng, chuyến đi tới Áo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thành công, với nhiều kết quả vượt ngoài mong đợi.