Ngày 28/5/2020, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã chủ trì buổi họp báo trực tuyến thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam và trả lời các câu hỏi có nội dung cụ thể như sau :
1. Đề nghị cho biết Quốc hội Việt Nam đang họp đợt này có phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại EVFTA không? Dự kiến sẽ phê chuẩn ngày nào?
Sau quá trình đàm phán tích cực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), thông qua các cơ chế trao đổi, đối thoại giữa EU và các ban, bộ, ngành của Việt Nam, ngày 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Mới đây nhất, ngày 30/03, Hội đồng Châu Âu đã chuẩn y quyết định phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu, hoàn thành thủ tục lập pháp nội bộ của EU đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVIPA còn phải qua thủ tục phê chuẩn của Nghị viện các quốc gia thành viên.
Các Hiệp định này là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu, tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam – Liên minh Châu Âu.
Dự kiến trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét và tiến hành phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA.
2. Việc tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN 36 ở Đà Nẵng cuối tháng 6 đã có lịch trình và thời gian chính thức chưa? Đã có những lãnh đạo các nước nào nhận lời tham dự hội nghị?
Ngày 19/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Lãnh đạo các nước ASEAN đề nghị điều chỉnh thời điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 tới cuối tháng 6/2020 do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2020 và đang tiến hành tham vấn với các nước thành viên ASEAN để đảm bảo Hội nghị được tổ chức thành công tốt đẹp.
3. Trong thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu có một làn sóng đầu tư nước ngoài chuyển dịch sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam là một địa điểm triển vọng. Việt Nam đã làm những gì để thu hút làn sóng sau khi dịch Covid-19 kết thúc, dù hiện nay đời sống đã trở lại bình thường nhưng chúng ta vẫn đóng cửa với các nước bên ngoài?
Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam.
Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đầy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế. Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19 như sau: (i) Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics...; (iii) Tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác; (iv) Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch./.