Việt Nam nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch COVID - 19

Tiếng Việt

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành kịp thời các Nghị quyết nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để nền kinh tế và phát triển nhanh, bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tác động của dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, tác động của dịch là rất nghiêm trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 chỉ đạo các bộ, nghành kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị tương đương gần 22 tỷ USD.

Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.

Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.
 


Với việc chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu từ cuối năm 2019 nên hoạt động sản xuất
của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ít chịu tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Hoàng Hùng / TTXVN


Quy trình sản xuất tại một cơ sở chế biến thủy sản của tỉnh Đồng Tháp trong những ngày dịch COVID-19. Ảnh: Chương Đài / TTXVN


Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng vụ đông xuân 2019 - 2020 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
vẫn đạt thắng lợi toàn diện khi sản lượng cao kỷ lục, khoảng 7,3 triệu tấn, cao hơn so với vụ đông xuân năm ngoái. Ảnh: TTXVN

Các công ty may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam như: May 10, May Chiến Thắng, May Thái Nguyên…
chuyển đổi một số dây chuyền sang may bộ quần áo bảo hộ y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo đặt hàng của Bộ Y tế
cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Phương Hoa / TTXVN


Vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) có cung cấp gần 20 tấn rau các loại cho hệ thống siêu thị,
chợ đầu mối trong nội thành Hà Nội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong giai đoạn dịch COVID-19. Ảnh: Vũ Sinh / TTXVN

Đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay do đại dịch COVID-19, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)
đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng, điều kiện được hưởng hỗ trợ. Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Công ty BRG Retail (Tập đoàn BRG) đã chỉ đạo hệ thống siêu thị và cửa hàng gồm: HaproMart, Hapro Food, FujiMart, Intimex...
chủ động liên kết với các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất tăng nguồn hàng dự trữ hàng thiết yếu
từ 300 đến 500% tại các siêu thị và tăng 10 lần tại kho trung tâm trong những ngày chống dịch COVID-19. Ảnh: Trần Việt / TTXVN

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Nghị quyết sẽ hỗ trợ khoảng 20 triệu đối tượng với kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng.

Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Ngay từ khi khởi phát đại dịch Covid – 19 vào đầu năm, Việt Nam đã chủ động  gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Mặt khác, Chính phủ cũng đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất ước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng...

Chính phủ quyết liệt chỉ đạo hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát./.
 

“Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch Covid-19 rất nhanh và quyết liệt. Đặc biệt, các chính sách kinh tế của Việt Nam dường như khá phù hợp với tình hình”.

GS.TS. Andreas Stoffers -
Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) tại Việt Nam

 

Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN

Nhóm tin: